Các quốc gia châu Âu nào sắp bị Nga cắt khí đốt?
Ba Lan và Bulgaria là những quốc gia đầu tiên bị Nga - nhà cung cấp năng lượng chính của châu Âu cắt khí đốt kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ông Vladimir Demidov, một chuyên gia quốc tế về thị trường tài nguyên và năng lượng, tin rằng việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan đã trở thành dấu hiệu, nhưng rất có thể có thêm 2 quốc gia nữa được đưa vào danh sách này.
Trong một cuộc trò chuyện với Lenta.ru, ông Demidov đã gọi tên Slovakia và Moldova là những quốc gia tiếp theo sẽ bị cắt đứt khí đốt từ Nga.
Trước đó, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt theo các hợp đồng hiện có cho Bulgaria và Ba Lan. Lý do chấm dứt hoạt động là do các nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.
Nga thông báo cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria kể từ ngày 27/4. (Ảnh: RIA) |
Theo Reuters, công ty PGNiG thuộc sở hữu nhà nước của Ba Lan hôm 26/4 cho biết, nguồn cung khí đốt từ tập đoàn Gazprom đến Ba Lan sẽ bị cắt kể từ 6 giờ sáng ngày 27/4 (giờ địa phương).
Gazprom cũng thông báo với công ty khí đốt nhà nước Bulgargaz của Bulgaria rằng họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 27/4. Được biết, Bulgaria có một hợp đồng sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
“Ai là người tiếp theo”
Theo ông Demidov, Slovakia, giống như Bulgaria, gần như phụ thuộc 100% vào khí đốt của Nga. Chuyên gia này tin rằng, Nga có thể cắt đứt việc giao hàng vì những lời lẽ gay gắt và cũng vì việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Moldova do gần đây họ đã yêu cầu gia hạn thêm một cuộc kiểm toán nữa. Vào tháng 11, có những khó khăn giữa Gazprom và Moldova, và các chuyên gia đã quyết định kiểm toán khoản nợ trị giá khoảng 709 tỉ USD và công ty năng lượng Moldovagaz của Moldova phải tìm một công ty kiểm toán độc lập.
Rất có thể Gazprom sẽ nói rằng Moldovagaz không thể thực hiện các điều khoản của hợp đồng đã được ký kết vào tháng 11 và họ sẽ cắt khí đốt đối với Moldova, cũng như vì những gì đang xảy ra ở Transnistria (một nước Cộng hòa ly khai tự xưng tách ra từ thành phần của Moldova-PMR giáp biên giới với Ukraine)”, ông Demidov nhận định.
Theo nhà phân tích này, trung bình khối lượng khí đốt Nga cung cấp cho Slovakia là 5 tỷ mét khối mỗi năm, sang Moldova là 2,5 tỷ mét khối mỗi năm.
Thay đổi trong hệ thống thanh toán
Hôm 23/3, Tổng thống Vladimir Putin thông báo quyết định chuyển tiền thanh toán khí đốt do Nga cung cấp cho các nước không thân thiện sang đồng ruble. Giờ đây, người mua nước ngoài phải mở tài khoản với Gazprombank, bao gồm cả tài khoản bằng đồng ruble. Việc thanh toán sẽ được nhận bằng ngoại tệ như đã được quy định trong hợp đồng và ngân hàng sẽ tự đổi thành đồng ruble trên Sở giao dịch Moscow.
Một thời gian sau, Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi thư tới các nước thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó đánh giá hệ thống thanh toán khí đốt mới của Nga bằng đồng ruble. Cho đến nay, EC không thể nói chắc chắn bằng cách nào có thể thanh toán khí đốt bằng đồng ruble mà không vi phạm các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Moscow.
Hôm 25/4, Vụ trưởng Vụ SNG 4 của Bộ Ngoại giao Nga, ông Denis Gonchar cho biết Nga đang đẩy mạnh việc chuyển sang sử dụng đồng ruble trong thương mại với Armenia và Azerbaijan do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo ông Gonchar, Armenia đã bắt đầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Tuy nhiên, quan chức này không đề cập đến việc Azerbaijan sẽ thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Được biết, sau khi Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, Áo cũng chấp nhận điều khoản thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble.
Thanh Bình (lược dịch)
Tình hình Nga-Ukraine: Mỹ sắp có đại sứ mới ở Ukraine
Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden đã cử nhà ngoại giao chuyên nghiệp Bridget Brink đến Thượng viện để xác nhận làm đại sứ tại Ukraine.
Mỹ trao thưởng ‘khủng’ cho thông tin về các tin tặc Nga
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nước này đang treo thưởng lên tới 10 triệu USD cho thông tin về 6 quan chức tình báo Nga bị chính quyền Mỹ cáo buộc có liên quan đến các cuộc tấn công mạng.