ASEM bắt đầu thảo luận các mối đe dọa và thách thức toàn cầu
Theo tuyên bố của ban tổ chức ASEM (Asia-Europe Meeting - gọi tắt là ASEM), người đứng đầu và đại diện các cơ quan ngoại giao các nước thành viên sẽ thảo luận các vấn đề, thách thức cấp khu vực và toàn cầu, trong đó trọng tâm là cuộc xung đột Syria, khủng hoảng nhập cư, biến đổi khí hậu, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên và thảo luận về tương lai của hình thức hợp tác này.
Chủ đề chính của Diễn đàn ASEM lần thứ 12 này là “Hoạt động phối hợp cho một tương lai an ninh và bền vững”. Đại diện của 51 thành viên các quốc gia châu Âu và châu Á sẽ tiến hành thảo luận các vấn đề trên trong vòng 2 ngày dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Đối ngoại EU Federico Mogerini.
Kết quả của các cuộc gặp ngoại giao sẽ được công bố trong tuyên bố của Chủ tịch diễn đàn.
Trong ngày thảo luận đầu tiên 5/11, chủ đề thảo luận sẽ là chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và hợp tác chống lại các thiên tai.
Do diễn ra trước thời điểm Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu nên trong thảo luận tại Luxembourg, các thành viên có thể sẽ đạt được thỏa thuận về sự cần thiết phải có một quan điểm thống nhất để đạt được thỏa thuận chung, toàn diện và mang tính chất bắt buộc trong vấn đề đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Trong ngày thảo luận thứ hai (6/11), chủ đề thảo luận chính sẽ là mối quan hệ giữa châu Âu-châu Á, trong đó có quan hệ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, không gian số thống nhất và quan hệ giữa con người với con người.
Các đại biểu cũng sẽ thảo luận vấn đề tương lai của ASEM trước thềm lễ kỷ niệm 20 năm thành lập ASEM sẽ được tổ chức tại Ulan-Bator của Mông Cổ vào năm 2016. Theo dự kiến, những người đứng đầu các quốc gia sẽ xác định các ưu tiên cho tương lai của ASEM.
Vấn đề Syria và khủng hoảng nhập cư
Trong ngày thảo luận thứ hai, các bộ trưởng ngoại giao cũng sẽ thảo luận vấn đề cấp bách và được quan tâm hàng đầu hiện nay là cuộc xung đột Syria, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
Hội nghị ASEM tại MILAN, Italia |
“Tại hội nghị ASEM, chúng tôi sẽ không thảo luận các hành động cụ thể mà chúng tôi muốn thảo luận các nguyên tắc, các kinh nghiệm khác nhau, thảo luận các thách thức nảy sinh từ cuộc khủng hoảng nhập cư”- một đại diện cấp cao của nước đang giữ chức chủ tịch ASEM tiết lộ.
Theo thông tin của EU, một trong những vấn đề trên là cuộc xung đột ở Syria nhưng hình thức thảo luận cụ thể lại không được tiết lộ.“Tôi mong muốn rằng vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận. Các bộ trưởng biết rõ cách thức làm thế nào để thảo luận một cách hiệu quả nhất”- đại diện EU nhấn mạnh.
Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thảo luận vấn đề an ninh trên biển liên quan đến việc Trung Quốc phản đối việc Mỹ đưa tàu chiến vào khu vực xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
ASEM là Diễn đàn Hợp tác Á-Âu được thành lập vào năm 1996, hiện ASEM có 51 thành viên. Mục đích chính của Diễn đàn này là phát triển sự hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế-tài chính, văn hóa-xã hội và giao thông. ASEM tổ chức họp thượng đỉnh 2 năm/lần.
Việt Nam là quốc gia đồng sáng lập ra ASEM, trong khi đó Nga gia nhập ASEM vào năm 2010.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria-Novosti, một trong những hãng thông tấn lớn và uy tín nhất tại Nga cũng như trên thế giới