Thế giới bùng nổ chợ đen buôn bán thận
Thế giới bùng nổ chợ đen buôn bán thận
1/3 thuốc chống sốt rét trên thế giới là “hàng giả”
Chợ đen buôn bán thận hoành hành do nhu cầu thay thế thận trên toàn cầu ngày càng tăng mạnh |
Các bác sĩ trên toàn thế giới cho biết những kẻ buôn nội tạng trái phép đã bất chấp những luật lệ cấm buôn bán nội tạng người để hoạt động. Trong khi đó, số tiền chúng thu được từ hoạt động này ngày một cao hơn do nhu cầu thay thận cho những người mắc bệnh tiểu đường và nhiều loại bệnh khác đang có xu hướng tăng mạnh.
Bệnh nhân chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Pakistan. Khoản tiền họ phải trả cho cho bọn buôn bán nội tạng lên tới 200.000 USD cho mỗi ca cấy ghép. Trong khi đó, những người bán thận chỉ có thể nhận được tối đa 5.000 USD/thận.
Điển hình như trong tuần qua, cảnh sát Israel đã bắt giữ 10 người trong đó có một bác sĩ bị tình nghi là có mối liên hệ với một mạng lưới buôn bán nội tạng quốc tế. Một số đường dây buôn bán nội tạng trái phép khác cũng đã bị phát giác tại Ấn Độ và Pakistan.
Tình trạng này tràn lan đến mức, chỉ cần lưới web cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những lời quảng cáo bán nội tạng của chính người sử dụng Internet. Một thanh niên Trung Quốc đã quảng cáo trên mạng rằng: “Hiến một quả thận, mua iPad mới!”, đồng thời đưa ra mức giá 2.500 bảng tương đương 4.000 USD/thận và cuộc phẫu thuật có thể diễn ra trong vòng 10 ngày kể từ khi cuộc thương lượng được hai bên đồng ý.
Theo bác sĩ Luc Noel thuộc Tổ chức WHO, nạn buôn bán nội tạng trái phép trên toàn cầu đã có xu hướng giảm trong giai đoạn 2006 – 2007, thời điểm ngành du lịch cấy ghép tạng đã "hạ nhiệt". Song giờ đây, thị trường này đang có xu hướng tăng mạnh trở lại bởi nhu cầu cấy ghép trên toàn cầu tăng nhanh và lợi nhuận mà những kẻ buôn bán thu được ngày một cao hơn.
Bên cạnh đó, việc một số nước thiếu những điều luật nghiêm cấm nạn buôn bán nội tạng đã khiến những người nghèo mờ mắt trước đồng tiền để liều mạng bán đi một quả thận mà không nghĩ tới những ảnh hưởng sức khỏe mai sau.
Thị trường thận chiếm tới 75% trong tổng số các giao dịch nội tạng trái phép trên toàn cầu. Nhu cầu mua thận vượt xa nguồn cung là do ngày càng nhiều người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và những bệnh về tim mạch.
Dữ liệu từ WHO cho thấy trong năm 2010, 106.879 ca cấy ghép nội tạng đặc (cả hợp pháp và trái phép) đã được tiến hành tại 95 nước thành viên thuộc Tổ chức và trong đó có tới 73.179 ca (chiếm 68,5%) là cấy ghép thận. Song con số 106.879 ca cấy ghép mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu cấy ghép tạng trên toàn cầu.
Ngoài ra, WHO cũng không thể xác định chính xác bao nhiêu ca phẫu thuật nội tạng hợp pháp được lấy từ những người đã chết hiến tặng hoặc chính những người còn sống là bạn bè và người thân của người bệnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Noel tin rằng 1/10 trong tổng số 106.879 ca ghép tạng được cung cấp từ thị trường chợ đen. Điều đó cho thấy, các tổ chức buôn bán tạng trái phép đã thu được khoản lợi nhuận lớn gấp 11.000 lần trong năm 2010.
Một báo cáo y tế từng chỉ ra rằng các bệnh nhân đến từ khu vực Trung Đông, châu Á và châu Âu thường phải trả từ 100.000 – 200.000 USD/ca cấy ghép tạng. Đa số bệnh nhân là những người sống tại Trung Quốc hoặc người Trung Quốc sống ở nước ngoài. Ngoài ra, một số bệnh viện quân đội của Trung Quốc bị tình nghi là nơi thực hiện các ca cấy ghép này.
Để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Y tế Trung Quốc tại thành phố Bắc Kinh đã ra lệnh cấm buôn bán nội tạng người và hứa sẽ ngừng việc mổ lấy nội tạng của những tù nhân bị kết án tử hình vào năm 2017 – một hành động vốn bị dư luận thế giới lên án.
Theo giáo sư Jim Feehally tại Đại học Bệnh viện Leicester NHS Trust (Anh), kể từ sau Tuyên bố Istanbul năm 2008 với chủ đề Thế giới chống nạn “du lịch ghép tạng”, thì quy định về buôn bán tạng đã thay đổi tại Philippines – một trong những trung tâm của nạn du lịch ghép tạng. Chính phủ Trung Quốc cũng đã công nhận những thay đổi trong hoạt động y tế của nước này.
“Nạn buôn bán nội tạng vẫn tiếp tục và có xu hướng ngày càng tăng mạnh. Những quốc gia tại châu Á và Đông Âu chính là nơi cung cấp hàng cho thị trường này do đó những người cần thận thay thế có thể tới đây để mua”, ông Feehally chia sẻ.
Điều đáng nói là những người bán thận thường là người nghèo và họ chỉ nhận được một khoản tiền rất nhỏ so với những tổn thương sức khỏe và không nhận được sự quan tâm chăm sóc y tế từ các bác sĩ sau ca phẫu thuật bán thận.
Do đó, để hạn chế tối đa hoạt động buôn bán nội tạng, bác sĩ Noel hy vọng các quốc gia có thể kêu gọi nguồn hiến tạng từ những người đã chết hoặc còn sống, cũng như khuyên khích người dân sống lành mạnh để không mắc phải các căn bệnh cần thay thế tạng như bệnh tiểu đường.
minh thu