Thay vì giảm biên chế giáo viên hãy giảm các phòng ban trung gian
Trao đổi với phóng viên Infonet bên hành lang Quốc hội chiều 14/6, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, có rất nhiều phương án để nâng cao chất lượng giáo dục, theo quan điểm cá nhân ĐB này ngành giáo dục muốn phát triển được thì cần thay đổi hệ thống lãnh đạo cồng kềnh hiện nay.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu: Giáo viên vùng sâu vùng xa hiện nay sợ nhất là đi tập huấn. Bởi đã sinh ra các phòng ban (ở phòng giáo dục, Sở GD) là phải đi tập huấn. Mà không đi tập huấn thì không thành các phòng ban. |
“Có quá nhiều các bậc trung gian. Làm sao nên tập trung trực tiếp nguồn lực cho giáo viên. Tất cả các bộ phận trung gian như các phòng ban biên chế nên được rút gọn, số tiền chi trả cho bộ phận này nên dồn trực tiếp cho giáo viên. Làm sao cho lương của người giáo viên cao lên”- ĐB Lân Hiếu nhấn mạnh.
ĐB Lân Hiếu cũng cho biết, giáo viên vùng sâu vùng xa hiện nay sợ nhất là đi tập huấn. Bởi đã sinh ra các phòng ban (ở phòng giáo dục, Sở GD) là phải đi tập huấn.
Do đó, vị đại biểu này kiến nghị “bỏ bớt những phòng ban, bỏ bớt những khâu trung gian thay vì giảm biên chế đối với giáo viên. Trước đây chúng ta hay kêu gọi lấy học sinh là trung tâm, nhưng theo tôi học sinh là trung tâm mãi rồi nên giáo viên bị bỏ rơi trong thời gian khá dài. Chúng ta nên tập trung nguồn lực cho giáo dục cơ sở mà cụ thể chính là giáo viên”.
Một lần nữa ĐB Lân Hiếu nhắc lại câu chuyện việc ý định biến các cơ sở y tế, giáo dục công thành các đơn vị hoạt động độc lập như một mô hình công ty, trao quyền rất lớn cho vị lãnh đạo trực tiếp của đơn vị tạo ra một mô hình chưa từng có trong xã hội Việt Nam.
“Chúng ta không thể nói chỉ vì yêu nghề nên họ vẫn ở lại với bà con, họ vẫn cố gắng làm việc vì có một niềm tin vẫn đang nằm trong biên chế nhà nước, vẫn là công chức trong hệ thống. Nếu bỏ công chức trong giáo dục, y tế chúng ta cần một chính sách hết sức cụ thể cho từng vùng miền theo những đặc thù về địa chính trị khác nhau tránh cho sự sụp đổ một mạng lưới mà rất nhiều năm được dày công xây dựng”- ĐB Lân Hiếu nói.
ĐB Lân Hiếu cho rằng: “Chúng ra đều biết, thuận lợi bỏ biên chế giáo viên đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày rất kỹ trong dự án “Xoá bỏ công chức ngành giáo dục và y tế”. Còn khó khăn đó là sẽ rất khó tìm được các thầy cô giáo, y bác sĩ làm ở vùng cao, biển đảo, vùng kém phát triển kinh tế, khó khăn trong việc đi lại.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ, việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sang hợp đồng không quan trọng bằng việc đổi mới giáo dục như thế nào cho hợp lý? Đổi mới là tất yếu vì những bất hợp lý của ngành Giáo dục đã bộc lộ ngày càng rõ ràng khiến dư luận xã hội hết sức hoang mang. Tuy nhiên, chúng ta cần luôn nhớ đổi mới không phải xoá bỏ hoàn toàn cái cũ để xây cái mới. Chúng ta cần cài đặt một hệ điều hành làm nền tảng - thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận, hành trang, môi trường là vấn đề gốc rễ trước. Theo đó, thay đổi nhận thức của giáo viên, trang bị kiến thức về giáo dục mới là quyết định. Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông tổng thể định hướng đầu ra sẽ thất bại nếu như năng lực của giáo viên không có.