Thầy giáo tuyên bố "không like tôi sẽ xóa kết bạn" có là dân "cuồng like"?
Chiều muộn hôm qua, thầy giáo Duong van V. đã chia sẻ dòng trạng thái “cảm thấy buồn” khi mà “Hiện nay Tôi đã có trên 2000 học sinh (hs) kết bạn, nhưng khi đăng bài chỉ có 50 hs like (thích), vì thế sau hai ngày nữa nếu em học sinh nào không like tôi sẽ xóa kết bạn. Bởi lẽ một điều đó là thiếu tính tôn trọng . Chữ like nó nhiều nghĩa, "thích, chào hỏi, nhận biết". Riêng trên trang cá nhân đó là lời chào hỏi thân mật. Mỗi khi kết bạn là xâm nhập đến trang cá nhân, có nghĩa là vào nhà người ta mà không chào hỏi thì người nhà sẽ rất ức chế và bực nhọc. Mong rằng các em học sinh phải hiểu được điều này, để sự kết bạn ngày một bền vững và vui hơn”.
Ngay sau khi chia sẻ, trang FB của thầy Duong van V. đã thu hút cộng đồng mạng, hàng trăm lượt chia sẻ với hàng ngàn lượt bình luận. Có 2 luồng ý kiến khác nhau: Tán đồng và không tán đồng quan điểm của thầy. Vậy ứng xử như thế nào trên facebook thế nào là phù hợp? Có đúng là like là chào hỏi? Phóng viên Infonet đã liên hệ với thầy giáo, tuy nhiên chưa nhận được hồi âm.
Ngay sau đó, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội xung quanh câu chuyện này. Khi đọc status của thầy giáo, TS Vũ Thu Hương, cho biết cảm thấy thú vị và vui vui. TS Hương phân tích, facebook tuy kết nối với nhau nhưng về mặt nào đó, mỗi trang cá nhân của ai đó vẫn mang tính cá nhân. Nó tuy không hẳn là riêng tư nếu chia sẻ cho bạn bè hoặc tất cả mọi người đọc nhưng nó mang màu sắc tính cách của chủ nhân. Mỗi chủ nhân sẽ đặt cá tính của mình trên trang đó bằng ảnh nền, ảnh đại diện, bằng các bài viết chia sẻ và cả những lời bàn luận.
TS Vũ Thu Hương |
“Vì thế, khi ta vào một trang cá nhân nào đó, ta có thể hoặc ít hoặc nhiều nhận ra nét cá tính riêng của chủ nhân trang. Việc đó làm tăng tính hấp dẫn của trang cá nhân lên rất nhiều lần. Một bài viết thú vị của ai đó nếu ta cảm thấy hài lòng, vui vui, hoặc cảm thấy cần phải bàn luận, ta sẽ chia sẻ vào trang cá nhân để việc bàn luận đó được diễn ra cùng với bạn bè của ta hoặc để ta lưu giữ. Vì thế, nếu chia sẻ một bài viết của ai đó, có lẽ rất nên hỏi ý kiến chủ nhân một chút. Việc đó giống như chúng ta nhìn thấy một hình ảnh thú vị của ai đó, ta muốn chụp lại để lưu giữ thì rất nên hỏi qua ý kiến của họ”- TS Hương nói.
Trở lại câu chuyện thầy giáo Duong Van V. chia sẻ trên facebook tâm trạng không thoải mái khi các bạn học sinh vào đó đọc mà không bấm like (thích) bài của thầy, TS Thu Hương cho rằng đó cũng là một cách thầy thể hiện tính cách và quan niệm cá nhân của thầy. TS Hương khẳng định “việc này cũng rất bình thường. Quan niệm của mỗi người về một việc nào đó đều rất khác nhau. Vì thế, khi đọc bài viết đó, tôi thấy thú vị và vui vui”.
Tuy nhiên, điều TS Hương cảm thấy phản cảm nhất không phải là status đó mà chính thái độ ném đá của một số bạn đã chia sẻ bài của thầy hoặc bình luận thẳng vào bài đó.
“Tôn trọng đặc tính cá nhân của người khác cũng chính là thể hiện thái độ tôn trọng mọi người và tôn trọng chính mình. Khi bạn là nam giới mà muốn để tóc dài như nữ giới ra đường hoặc có phong cách ăn mặc khá lạ mắt, bạn bị mọi người phán xét, chỉ chỏ, thậm chí nói thẳng vào mặt, chắc chắn bạn sẽ vô cùng khó chịu. Việc này cũng giống như câu chuyện của thày Duong Van Vu khi thày có quan niệm khá lạ về phím bấm like (thích) trong facebook. Với quan niệm này, những ai muốn làm bạn với thày sẽ hiểu nguyên tắc và quan niệm của thày để cư xử cho hợp lý, những ai không muốn hoặc không thích quan niệm này, có thể từ chối làm bạn với thầy”- TS Hương chia sẻ.
Theo TS Hương thì việc tập trung vào quan niệm khác lạ với suy nghĩ của mình để ném đá, rõ ràng là một hành vi thiếu lịch sự, thậm chí hơi kém văn hóa. Nó thể hiện suy nghĩ bó hẹp của bạn, chỉ muốn thế giới đồng nhất một màu, không thích sự khác biệt. Tuy nhiên, chúng ta phải tự thừa nhận với nhau rằng: Thế giới là muôn màu và nó hấp dẫn vì thế. Quan sát sự khác biệt, tôn trọng sự khác biệt ấy chính là chúng ta đã tôn trọng sự muôn màu của cuộc sống và nâng cao hơn nữa tầm hiểu biết của mình. Điều đó cũng giống như việc chúng ta nhìn thấy người Ấn Độ ăn bốc, người châu Âu ăn dao dĩa và người châu Á ăn đũa vậy. Thế giới tuyệt đẹp bởi những sự khác biệt và quan điểm của TS Hương là chào đón mọi sự khác biệt.
“Theo tôi, đã đến lúc, chúng ta cần phải tôn trọng nhau và tôn trọng cuộc sống này hơn. Những hành vi ném đá chỉ vì người khác có quan niệm khác biệt với mình rõ ràng là thiếu lịch sự. Những người nhận xét thầy giáo có quan niệm đó không xứng làm thầy giáo còn có thể nói là kì cục hơn nữa. Một thầy giáo ngoài đời cũng là một con người và họ cũng có những cá tính, những quan niệm riêng cần tôn trọng. Thầy giáo không vi phạm pháp luật, không phạm phải điều gì chạm đến lương tâm nghề nghiệp, có những quan niệm khác lạ thì hoàn toàn xứng đáng được tôn trọng. Nhận xét một thày giáo phải sống theo khuôn mẫu chủ quan do các bạn tự đặt ra là điều thiếu hợp lý” – TS Thu Hương nhấn mạnh.
Thế giới ngày càng phẳng hơn, sự kết nối ngày một gần. Tuy nhiên, TS Thu Hương cho rằng nếu như chúng ta không học được tính tôn trọng sự khác biệt thì nhanh chóng chúng ta sẽ lạc lõng với thế giới, thậm chí sẽ tạo ra các mâu thuẫn không đáng có. Vì thế,"theo tôi, có lẽ chúng ta cần nhìn nhận lại và điều chỉnh cách nhìn, hành động cho hợp lý” – TS Thu Hương nhắn nhủ.