Tháo gỡ điểm nghẽn chính sách phát triển du lịch Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam
Ngày 17/01, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay, được sự thống nhất của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND tỉnh Quảng Nam cùng xây dựng Đề án cơ chế, chính sách thí điểm đột phá phát triển du lịch ba địa phương, đến nay ba địa phương đã hoàn tất dự thảo đề cương Đề án.
Lãnh đạo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam cùng xúc tiến quảng bá cho chương trình "Điển đến của Thiên đường biển đảo và Di sản thế giới"! (Ảnh do Sở Du lịch Đà Nẵng cung cấp) |
Trong đó thống nhất tập trung xây dựng và đề xuất một số cơ chế chính sách trọng tâm như: Cơ chế, chính sách tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch mang tính trọng điểm. Cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù và hỗ trợ đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực du lịch của từng địa phương.
Các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng cho các dự án du lịch, theo các khu vực ưu tiên, chính sách thu hút đường bay quốc tế trực tiếp, chính sách thị thực đối với khách quốc tế. Các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch.
Cơ chế chính sách đẩy mạnh liên kết với các địa phương để phát triển sản phẩm, thị trường và chuỗi giá trị du lịch: chính sách về liên kết để cùng khai thác, chia sẻ lợi ích giữa các địa phương, tránh tình trạng cục bộ trong vấn đề phát triển du lịch vùng miền và chính sách hình thành các chuỗi giá trị trong hoạt động du lịch của ba địa phương để khai thác có hiệu quả.
“Căn cứ tiềm năng, hiện trạng, định hướng và mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và qua đánh giá các điểm nghẽn chính sách phát triển du lịch ba địa phương cho thấy việc nghiên cứu xây dựng Đề án về cơ chế chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế -Đà Nẵng – Quảng Nam) là hết sức cần thiết, có tầm quan trọng giúp thúc đẩy mạnh mẽ phát triển ngành du lịch của ba địa phương!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh cũng cho hay, với quy mô và phạm vi nghiên cứu Đế án khá lớn, các nội dung cơ chế chính sách đòi hỏi phải nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến thực tiễn và văn bản quy định của Luật hiện hành để từ đó đề xuất các cơ chế đột phá phù hợp với yêu cầu, mục tiêu phát triển của ngành du lịch ba địa phương nhưng vẫn đúng quy định của pháp luật.
Để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh các nội dung Đề án nhằm xây dựng các cơ chế thiết thực tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển du lịch, ba địa phương mong muốn nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác, các doanh nghiệp du lịch, những người quan tâm và tâm huyết đối với ngành du lịch.
“Đồng thời, ngành du lịch ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng và Quảng Nam rất mong muốn được hợp tác với các chuyên gia giàu kinh nghiệm để xây dựng Đề án hoàn chỉnh, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt!” – Bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.