Thanh lọc ngân hàng: Phải làm thật chứ không dọa
Thanh lọc ngân hàng: Phải làm thật chứ không dọa
Khối ngân hàng đang yếu đi
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính tới hết tháng 7, tỷ lệ nợ xấu hoàn hệ thống là 3.04% trên tổng dư nợ cho vay, con số này của năm 2010 là 2,16%. Tuy nhiên, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thì tính đến hết tháng 6/2011 tổng lệ nợ xấu là 75.000 tỉ đồng, ở mức 3,13%, cao hơn nhiều so với mức 2,16% vào cuối năm 2010. Tuy có sự “lệch pha” giữa con số thống kê của hai cơ quan, tuy nhiên điều đáng lo ngại là con số nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng nhanh chóng trong nửa đầu năm 2011 và sẽ tiếp tục gia tăng vào cuối năm. Đáng lo ngại là nợ nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm tới 47%. Trong đó, ngay cả những định chế tài chính lớn, có tổng tài sản và nguồn vốn lớn như NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng “dính” nợ xấu, lần lượt là 3,47% và 6,67% tổng dư nợ.
Tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng sẽ được đặt lên bàn nghị sự tại kỳ họp Quốc hội khóa tới. Ảnh: H.A |
TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: Nợ xấu đang là vấn đề lo ngại, không chỉ NH nhỏ mà cả NH lớn. “Hiện, tổng tài sản của hệ thống NH lên tới vài ba trăm tỷ đô la, nếu nợ xấu chỉ chiếm 5% cũng đã lên tới hàng trăm tỷ đô la, vượt quá sức chịu đựng của bất cứ nguồn ngân sách nào. Nếu không lên phương án xử lý nhanh, cứ thắt chặt tiền tệ như hiện nay thì nợ xấu sẽ gia tăng và là hiểm họa khôn lường với hệ thống tài chính” – ông Nghĩa nói và thông tin, hiện nay Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đang gấp rút hoàn thiện và báo cáo trình Chính phủ đề xuất tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ được thực hiện nay vào những tháng cuối năm 2011.
Nhìn nhận về rủi ro cuối năm, ông Nghĩa tỏ ra lo ngại về rủi ro tỷ giá ngoại hối và vấn đề thiếu thanh khoản của NH nhỏ. “Tương lai mặc dù lãi suất xuống thấp nhưng tiếp cận vốn NH không phải dễ, DN sẽ vẫn phải huy động vốn thông qua cổ phiếu”- ông Nghĩa nói.
Làm thật chứ không dọa!
Theo đề án của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tái cấu trúc NH lần này vẫn như trước nhưng nhấn mạnh vấn đề giám sát và quản trị rủi ro. Đây là điểm yếu nhất của hệ thống NH vì hiện nay, nhiều hệ thống giám sát rủi ro của các NH thương mại chỉ là “hàng mã”, lập ra để đối phó với quy định của NHNN, chứ thực chất chẳng giám sát gì. Ngay cả những “ông lớn” như Vietcombank cũng đang đi theo hướng phân tán hóa giám sát, quản trị rủi ro, khiến kiểm soát tăng trưởng tín dụng tại các chi nhánh, cơ sở rất khó khăn.
Đây không phải lần đầu tiên hệ thống NH được sắp xếp lại. Năm 2005-2006, đợt tái cấu trúc đầu tiên đã kiên quyết “cắt bỏ” 16 NH nhỏ, yếu. Trong đợt thanh lọc lại các tổ chức tín dụng lần này, TS.PhùngVăn Hùng - Ủy viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sẽ chấp nhận “đau” để cho một vài định chế tài chính tiềm lực yếu bị phá sản để thiết lập lại hệ thống tài chính lành mạnh. “Mua bán sáp nhập là một chủ trương phải làm, phải làm kiên quyết và mạnh mẽ. Thậm chí, dù không muốn nhưng nếu NH nào quá yếu buộc phải cho phá sản cũng phải chấp nhận. Nếu cứ để các NH nhỏ thanh khoản yếu, vốn ảo sẽ đe dọa đến an ninh chung của toàn hệ thống” – ông Hùng nói. Khi lãi suất giảm, tín dụng thắt chặt, chắc chắn sẽ có NH khó khăn, dù NH có cố lách lãi suất thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc. NHNN chủ trương tăng trưởng tín dụng trong những năm tới không quá 20%, tổng phương tiện thanh toán không quá 16% nên chắc chắn các NH nhỏ sẽ gặp khó khăn và có nguy cơ lặp lại hiện tượng xé rào đi đêm lãi suất.
“Tôi đã đề nghị, Chính phủ phải làm thật chứ không dọa. Muốn kinh tế đi lên vững chắc, dứt khoát phải có hệ thống NH sạch. Giai đoạn trước đã loại bỏ 16 NH yếu kém, lần này số lượng chắc chắn sẽ không dừng ở con số đó” - ông Nghĩa quả quyết.
Trao đổi với BĐVN, TS. Phùng Văn Hùng cho biết thêm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề xuất, trong kỳ họp khóa 2 của Quốc hội khóa XIII sắp tới, vấn đề tái cấu trúc hệ thống NH sẽ được đặt lên “bàn cân” thảo luận tại nghị trường với mục tiêu thiết lập lại một hệ thống tài chính khỏe mạnh.
TS. Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc NHNN: “Cơ cấu lại hệ thống tài chính có nhiều biện pháp: gọi thêm vốn bằng cách bán cổ phẩn, sáp nhập các NH lại với nhau… Nếu khó khăn quá, không thể tiếp tục kinh doanh thì buộc phải giải thể số NH này. Đó là tất cả các biện pháp phải làm. NHNN phải đóng vai trò là “tổng tư lệnh”, phải có kế hoạch rõ ràng, khảo sát chặt chẽ, biết rõ “sức khỏe” của từng NH yếu ra sao để có chương trình hỗ trợ, quy chế sáp nhập rõ ràng…” |
Nguyễn Hoài