Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh
Ngày 25/3, Tổng cục Du lịch có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa và Mobifone về việc thực hiện chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh.
Thanh Hóa nỗ lực chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh (ảnh minh hoạ) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, chuyển đổi số ngành du lịch vừa là yêu cầu vừa là giải pháp đột phá để tạo thuận lợi thu hút du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang có kế hoạch triển khai dự án Trung tâm điều hành du lịch thông minh với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại, dễ dàng kết nối với du khách. Cụ thể vào ngày 20/1, Tổng cục Du lịch đã cùng với Mobifone và tỉnh Hà Giang ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Hà Giang thông qua chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh.
Trong thời gian tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương khác như Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An trong lĩnh vực này.
Với Thanh Hóa, ông Phúc đánh giá là địa phương có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn rất lớn, song khả năng kết nối nhằm thu hút du khách chưa cao. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ Thanh Hóa trong công tác chuyển đổi số ngành du lịch, hướng đến xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh. Phó Tổng cục trưởng hy vọng với những sự chuẩn bị tích cực, chủ động, du lịch Thanh Hóa sẽ sớm có những sản phẩm du lịch thông minh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong trạng thái bình thường mới.
Tại buổi làm việc, đại diện Tổng Công ty Viễn thông Mobifone - nhà cung cấp sản phẩm du lịch thông minh, đã giới thiệu với các đại biểu tham dự tổng quan về nền tảng du lịch thông minh với công nghệ Smart travel platform làm chủ đạo.
Cụ thể, tính năng quan trọng nhất của Smart travel platform là tạo dựng và đưa vào ứng dụng sản phẩm du lịch AR - trải nghiệm thực tế tăng cường và du lịch VR 360 - du lịch qua màn ảnh.
Các sản phẩm này sẽ hỗ trợ tối đa cho khách du lịch trong việc thu thập thông tin, tìm địa điểm du lịch, chỉ dẫn thông tin điểm du lịch (thông qua tour du lịch ảo và thực tế tăng cường, bình luận và đánh giá địa điểm, gợi ý điểm đến du lịch), tham quan điểm du lịch bằng AR (hotspot xung quanh, dẫn đường), tham quan điểm du lịch bằng AR (nhận diện và chỉ dẫn hiện vật), tour tham quan bằng VR 360, điểm cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, Smart travel platform còn có các tính năng hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ trong việc quản trị nội dung AR, quản trị nội dung VR; đồng thời, hỗ trợ nhà quản lý trong việc phân tích số liệu hoạt động du lịch và cung cấp thông tin cho khách du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch và Mobifone thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh.
Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, địa phương này có tiềm năng du lịch lớn, nhưng việc khai thác nhằm nâng cao vị thế ngành du lịch vẫn chưa tương xứng, trong đó sự hạn chế trong chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh là một hạn chế cần được tháo gỡ.
Nhất trí cao với nội dung sản phẩm công nghệ như Mobifone đã trình bày cũng như khả năng đáp ứng của sản phẩm khi ứng dụng vào thực tế tại Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục để tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác, đồng thời cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch, Mobifone trong việc xây dựng cơ chế, chính sách; cung cấp đầy đủ dữ liệu, số liệu, thông tin… để nhà cung cấp xây dựng sản phẩm, góp phần tạo ra bức tranh toàn cảnh sinh động và hấp dẫn về du lịch Thanh Hóa.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Tổng cục Du lịch tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ đối với Thanh Hóa, để đưa sản phẩm du lịch thông minh vào ứng dụng trong thời gian sớm nhất.
Theo số liệu của ngành VHTTDL, Thanh Hoá hiện có tới trên 1.500 di tích lịch sử, văn hoá với nhiều loại hình khác nhau, nhiều di tích lịch sử, văn hoá đặc sắc, ghi đậm dấu ấn lịch sử của các thời đại, trong đó có 851 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh.
Điển hình như như Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, khu Di sản văn hoá thế gới Thành nhà Hồ, quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền Độc Cước, di tích Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích lịch sử Hàm Rồng...
Song hành với các di tích lịch sử, văn hoá, thì Thanh Hóa còn có một nguồn tài nguyên rất quý giá đó là vốn văn hoá phi vật thể gồm các điệu hò, các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán... tồn tại và phát triển ở các địa phương khá phong phú và đặc sắc.
Thanh Hóa có hơn 100 km bờ biển đẹp và thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng như: bãi biển Sầm Sơn, khu bờ biển xã Hải Hoà, Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hoá)...
Cùng với hệ sinh thái biển, Thanh Hóa còn là nơi có nhiều hang động và các địa danh, di sản thiên nhiên độc đáo như hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Mahao, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên..., trong đó suối cá thần Cẩm Lương là một di sản thiên nhiên “độc nhất vô nhị”.
Cùng với đó, Thanh Hoá còn có hệ thống di tích lịch sử văn hoá không những có giá trị đặc trưng mà còn phong phú về số lượng và thể loại.
H. Anh