Tháng 6/2015 là tháng Sáu nóng nhất trong 135 năm qua
Biểu đồ phân vị nhiệt độ đất liền và đại dương trong tháng 6/2015. Ảnh NOAA
Số liệu mới đây được cung cấp từ cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) Mỹ cho thấy, nhiệt độ trung bình tháng 6/2015 trên bề mặt đất và các đại dương đã cao hơn mức trung bình của thế kỷ 20 tới 0,88 °C, mức cao nhất thuộc về các tháng Sáu kể từ khi ghi nhân số liệu từ năm 1880, vượt qua cả mức lịch sử đã được thiết lập vào năm ngoái là 0,12 °C nhiều lần.
Trong tháng Sáu, nhiệt độ bề mặt đất trên toàn cầu đã tăng hơn trung bình thế kỷ trước 1,26 °C. Con số này vượt qua mức kỷ lục đã được thiết lập trước đó vào năm 2012 là 0,06 °C.
Ghi nhận về diện tích băng tại Bắc Cực của NOAA cho thấy, diện tích băng ở đây trong tháng Sáu là khoảng 906.000 km2, thấp hơn mức trung bình giai đoạn 1981 - 2010 và lớn hơn khoảng 155.000 km2 so với lần mở rộng băng biển nhỏ nhất hồi 2010.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp nhất thứ ba trong các tháng Sáu kể từ lần ghi nhận kỷ lục băng tan vào 1979, theo như phân tích từ Trung tâm dữ liệu Băng và Tuyết quốc gia Mỹ thông qua việc sử dụng dữ liệu thu thập được của NOAA và NASA.
Hạn hán tại California
Còn tại Nam Cực, lượng băng tại đây trong tháng Sáu là khoảng 985.000 km2 và vẫn ở trên mức trung bình giai đoạn 1981 - 2010. Đây là lượng băng Nam Cực lớn thứ ba trong các tháng Sáu được ghi nhận và nhỏ hơn khoảng 362.000 km2 so với lượng băng lớn kỷ lục trong tháng Sáu năm ngoái (mùa hè ở bắc bán cầu là mùa đông ở nam bán cầu).
Ngoài ra, bản báo cáo cũng phân tích chi tiết về sự thay đổi nhiệt độ trong giai đoạn nửa đầu năm nay từ tháng Một - tháng Sáu.
Nửa đầu năm nay, nhiệt độ trung bình bề mặt đất trên toàn cầu và đại dương cao hơn 0,85 °C so với mức trung bình cùng giai đoạn thế kỷ 20 và là mức cao nhất trong giai đoạn từ tháng Một - tháng Sáu, vượt kỷ lục năm 2010 là 0,09 °C.
Cụ thể, nhiệt độ bề mặt đất trong 6 tháng đầu năm cao hơn mức trung bình thế kỷ 20 là 1,4 °C, vượt cả kỷ lục của năm 2007 là 0,13 °C. Trong khi đó, nhiệt độ bề mặt đại dương đã gia tăng nhanh chóng và cao hơn mức trung bình 0,65 °C, hơn rất nhiều so với mức 0,04 °C của năm 2010.
Nắng nóng gay gắt tại Hà Nội những ngày tháng Sáu vừa qua
Tại Việt Nam, khoảng thời gian cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy vừa qua cũng chứng kiến một đợt nóng kỷ lục khi nhiệt độ tại khắp các tỉnh Bắc và Trung Bộ đều đã chạm ngưỡng trên 40 °C, mức nhiệt độ gần như chưa từng có tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Tác động khôn lường của nó tới sức khoẻ, đời sống con người trong thời gian vừa qua là điều không cần bàn cãi.
Mức nhiệt độ trên một lần nữa đặt các mức cảnh báo nghiêm trọng và khẩn cấp đối với loài người. Khi mà nhiệt độ đang không ngừng gia tăng do tác động của khí nhà kính, các quốc gia có mức phát thải khí nhà kính hàng đầu sẽ phải sớm đạt được một cam kết chắc chắn và thậm chí là một Hiệp định mới tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 21) sắp diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối năm nay.
Theo VNReview