Tham vọng lớn, tại sao cổ phiếu của Masan MEATLife (Meat Deli) liên tục giảm sâu?
Công ty cổ phần Masan MEATLife (MML), công ty con của Tập đoàn Masan vừa niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM với giá tham chiếu lên đến 80.000 đồng/cp. Tuy nhiên sau 5 phiên giao dịch, dường như mốc giá 80.000 đồng (tương đương vốn hóa thị trường 1,1 tỷ USD) đang ngày càng trở nên xa vời đối với cổ phiếu này.
Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, 09/12, MML đã giảm mạnh so với giá tham chiếu khi đóng cửa phiên chào sàn ở mức giá 69.900 đồng/cp, rồi về mức giá 65.100 đồng ở phiên giao dịch tiếp theo. Hai phiên phục hồi nhẹ sau đó nhưng không đáng kể, MML kết thúc tuần giao dịch đầu tiên ở mức giá 65.800 đồng/cp.
Những kết quả trên cho thấy việc bị định giá quá cao, cộng với sự ảnh hưởng từ cổ phiếu công ty mẹ Masan (MSN) đã khiến giá giao dịch của MML diễn ra không được như mong đợi.
CTCP Masan MEATLife hoạt động trong mảng kinh doanh thịt và vận hành trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị từ thức ăn chăn nuôi và trang trại chăn nuôi heo đến sản xuất thịt tươi sống và thịt chế biến.
Thực tế doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang này đang trong quá trình chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt heo có thương hiệu sau khi tung ra thương hiệu thịt heo Meat Deli vào cuối năm 2018.
Meat Deli đặt mục tiêu thâu tóm 10% thị phần trên thị trường thịt heo có quy mô lên đến 10 tỷ USD tại Việt Nam. Theo đó, MML đặt mục tiêu sẽ đạt doanh thu 1,5-3 tỷ USD và vào năm 2022, trong đó mảng thịt chiếm hơn 50% tổng doanh thu.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), những thách thức chính cho MML trong việc hoàn thành mục tiêu kể trên đến từ việc công ty có thành công trong việc bán các sản phẩm thịt chế biến nhằm tăng giá trị thu được trên mỗi con heo; đảm bảo chất lượng của các điểm bán trong bối cảnh MML đạt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối ở tốc độ cao; và khả năng đảm bảo nguồn cung heo nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng nêu trên.
Thị trường thịt heo hiện nay có bối cảnh tương đồng với thị trường nước mắm và thị trường mì ăn liền trong quá khứ. Những thành công lớn nhất trong ngành hàng tiêu dùng của Masan đến từ việc hợp nhất các thị trường có quy mô lớn nhưng có tính phân mảnh và chưa bị chi phối bởi các thương hiệu, ví dụ như thị trường nước mắm và thị trường mì ăn liền cao cấp trong quá khứ.
Thị trường thịt heo hiện nay tại cũng cho thấy những đặc điểm tương tự, trong đó các sản phẩm có thương hiệu chỉ chiếm phần tỷ trọng thấp trên thị trường. Ngoài ra, tính phân mảnh xuyên suốt trong chuỗi giá trị cũng góp phần dẫn đến nhiều vấn đề về chất lượng thịt heo tại Việt Nam.
Trong khi đó, Meat Deli đang đi theo hướng công nghệ thịt mát, xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối theo mô hình ngành hàng tiêu dùng nhanh. Về mặt phân phối, bên cạnh việc vận hành chuỗi cửa hàng của riêng Meat Deli và các điểm bán trong siêu thị, MML còn áp dụng mô hình độc đáo là các cửa hàng đại lý mà trong đó công ty hợp tác với các cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ tọa lạc gần các chợ truyền thống và/hoặc các khu dân cư.