Thẩm mỹ, văn hoá và cơ chế
Một mẫu trang trí bị chê là rối rắm trên phố Hà Nội. (Ảnh: PLO) |
Vài năm trước, khi nhận ra những thứ tôi không biết nên gọi là gì, với các hình ảnh minh họa thô kệch, được xây lắp vội vàng, đèn nhấp nháy hàng đêm được lắp thường trực ở phố Tràng Tiền, chắn tầm nhìn rất đẹp đến phía Nhà hát lớn Hà Nội, tôi đã chỉ biết thở dài và... lại im lặng.
Nhìn những đèn trang trí đường phố với hoa lá kệch cỡm, minh họa cho những ý tưởng khó hiểu đến hài hước ở những đô thị khác, tôi đã chỉ biết cười khẩy và tán láo với bạn bè.
Tôi, và nhiều người bạn tôi, đã quên rằng, chúng tôi cần phải nói ra sự thật, những "trang trí" như vậy đã và đang không chỉ làm xấu đi đường phố nơi mình đang sống, nó còn là sự lãng phí kinh khủng.Tôi nghĩ chúng ta cần nói thẳng về sự xấu xí, thô lậu và kệch cỡm của cách trang trí đường phố như vậy, bởi thực tế cho thấy, những thứ kệch cỡm và xấu xí như vậy đang không hề dừng lại, mà đang phát triển thêm, ngân sách đang phải chi ra rất nhiều tiền để làm xấu chính những đô thị còn thiếu rất nhiều tiền cho những nhu cầu thiết yếu khác.
Tôi nhớ những ngày gần Tết trước đây ở nông thôn, việc đầu tiên chúng tôi làm khi Tết đến là quét dọn sạch sẽ, dọn dẹp ngăn nắp nhà cửa, ngõ xóm, rồi đến gần Tết mới đi chợ mua đôi câu đối về dán vào hai bên ban thờ hay cột nhà. Thành phố chắc cũng nên làm vậy, nếu để chuẩn bị cho những ngày lễ tết, có lẽ nên coi đó là một dịp để dọn dẹp, tổng vệ sinh đường phố, ngõ xóm.
Tôi nghĩ chúng ta không thể im lặng, không nói ra sự thật, là những "tác phẩm" trên đường phố hết sức thiếu thẩm mỹ và đang làm xấu đường phố, và như vậy, nó đang đi ngược với mong muốn của Chính quyền các đô thị, là mang đến không khí lễ hội và niềm vui cho những công dân của đô thị.
Và chính quyền của các đô thị, có lẽ không nên bỏ mặc việc ấy cho cơ quan văn hoá, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của chính họ. Tôi nghĩ vậy.