Thái Lan vẫn tổ chức lễ hội té nước khi hạn hán kỷ lục
“Chúng ta vẫn có đủ nước để tổ chức lễ mừng năm mới. Thời tiết không quá khô hạn”, phát ngôn viên chính phủ Sansern Kaewkamnerd cho biết. Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu Bộ Du lịch đảm bảo khách nước ngoài không hiểu nhầm rằng nạn hạn hán năm nay sẽ khiến nguồn nước ở Thái Lan bị cắt đứt.
Lễ hội truyền thống té nước Songkran là một điểm nhấn thu hút khách du lịch nước ngoài của Thái Lan. |
Bộ Du lịch Thái Lan cho biết, mùa nghỉ lễ năm nay có thể sẽ mang về 15 tỉ baht (khoảng 427 triệu USD) cho ngành du lịch và thu hút nửa triệu khách du lịch trong vòng 5 ngày.
Lễ hội Songkran từ lâu là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch của Thái Lan. Người dân tập trung trên đường phố hoặc ngồi trên các xe tải nhỏ, mang theo khẩu súng phun nước hoặc gáo, xô chậu để té nước vào bất kỳ người nào trên đường. Một số tuyến đường đã bị chặn lại để phục vụ cho các hoạt động của lễ hội.
Trong khi đó, 17 tỉnh thành của Thái Lan đang phải chịu hạn hán nặng nề, với lượng mưa xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Chính quyền địa phương đã yêu cầu nông dân tiết kiệm nước và giảm bớt gieo trồng. Có nơi người dân phải xếp hàng để lấy nước từ một vòi hoặc giếng nước.
Thế nhưng, chính phủ Thái Lan không hề nao núng trước nạn hạn hán, nói rằng nó sẽ không thể ngăn cản ngày lễ truyền thống của người Thái. “Thủ tướng Thái Lan đã từng phát biểu, lễ hội Songkran mang lại hạnh phúc cho người Thái Lan và rất khó để hủy bỏ nó”, ông Sansern cho biết.
Việc cấm tổ chức Songkran cũng sẽ khiến người dân và khách du lịch nước ngoài bất bình. Bộ Du lịch Thái Lan đã nhiều lần quảng bá lễ hội truyền thống này là dịp để “hòa mình vào lễ hội té nước lớn nhất trên thế giới”. Năm 2011, Bộ này đã tổ chức cuộc đấu súng nước lớn nhất trên thế giới, thu hút sự tham gia của hơn 3.400 người và diễn ra tại trung tâm thủ đô Bangkok.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chanocha đã thẳng thừng gạt bỏ khả năng hủy bỏ lễ hội Songkran. “Tôi sẽ không cấm hoạt động té nước, điều đó hoàn toàn không thể được”, ông Chanocha cho biết.
Mặc dù ông Prayuth kêu gọi những biện pháp nghiêm khắc trong lễ hội năm nay, nhưng không liên quan đến việc tiết kiệm nước. Chính quyền Thái Lan đang nghiêm cấm phụ nữ và những người chuyển giới không được ăn mặc hở hang khi ra ngoài vào thời điểm này.
“Tôi đã thông báo với các quan chức, cảnh sát và binh lính rằng phụ nữ và những người chuyển giới không được ăn mặc lộ liễu hoặc nhảy múa trên các xe tải, nếu không họ sẽ bị bắt giữ”, ông Prayuth nói.
Các nhà môi trường cho biết chính phủ cần phải nhận thấy ưu tiên của mình. “Họ phải tuyên bố rằng tình hình hạn hán rất nghiêm trọng. Họ không nên che giấu sự thật”, ông Smith Thammasaroj, chủ tịch Hội đồng Cảnh báo Thiên tai Quốc gia Thái Lan cho biết. “Nếu người dân nghĩ rằng họ vẫn có đủ nước, nền nông nghiệp đất nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Associated Press (AP) của Mỹ. Đây là hãng tin lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại New York. AP cũng là một trong những nguồn cung cấp tin tức lớn nhất cho các tờ báo, đài truyền hình và đài phát thanh trên thế giới.