Tết sung túc và 'đổi đời' của những triệu phú thể thao
Tết sung túc và 'đổi đời' của những triệu phú thể thao
Các VĐV thành tích cao đã kết thúc năm 2011 với nhiều niềm vui khi có một khoản thu nhập khá cao so với những năm trước, cao nhất là Lê Quang Liêm (3 tỷ đồng). Có VĐV đổi đời nhờ thành tích đạt được trong năm qua.
Những tỷ phú và triệu phú thể thao
Trong năm qua, Quang Liêm và Tiến Minh là 2 VĐV kiếm được nhiều tiền nhất từ các giải đấu ở nước ngoài. Với việc xếp trong top 27 thế giới, Quang Liêm được đài thọ chi phí đi lại, ăn ở của tất cả các giải đấu lớn trên thế giới, ngoài ra còn nhận được những khoản tiền lót tay lên đến cả trăm triệu. Không những vậy, việc giành được chức vô địch ở giải Nga cũng giúp anh đút túi hơn 600 triệu đồng. Theo lãnh đạo bộ môn cờ vua thì thu nhập một năm của Quang Liêm ít nhất là 3 tỷ đồng.
Liêm và chức vô địch SPICE Cup 2011 |
Tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh (hạng 7 TG) cũng có khoản thu nhập ổn định từ hệ thống các giải Super Series. Chỉ tính riêng tiền thưởng từ đầu năm đến nay từ các giải đấu này cũng giúp Tiến Minh thu về ngót nghét 400 triệu đồng.
Ngoài Quang Liêm và Tiến Minh, Hoàng Thiên cũng là VĐV có những khoản tài trợ hàng tỷ đồng. Tính đến hết năm 2011 thì con số đầu tư dành cho cây vợt trẻ này vào khoảng hơn 4 tỷ đồng. Với việc góp mặt vào hạng mục top 100 những cây vợt trẻ (hạng 69 TG), trong năm 2012 Hoàng Thiên sẽ còn nhận được nguồn đầu tư lớn hơn thế, ước chừng vào khoảng hơn 5 tỷ đồng.
Đổi đời nhờ thành tích
Sau SEA Games 26, rất nhiều VĐV thi đấu thành công đã “đổi đời” nhờ những khoản thưởng lớn từ thành tích họ đạt được. Phan Thị Hà Thanh, Hoàng Quý Phước, Trương Thanh Hằng, Việt Anh đều nhận được những khoản thưởng lớn dao động từ 100 - 300 triệu đồng. Trong đó, đối với VĐV điền kinh Việt Anh đây là mức thưởng khiến cô “đổi đời” vì có thể có tiền xây nhà mới cho ba mẹ, không phải ở dưới căn nhà tranh ẩm thấp.
"Hot boy" Quý Phước nhận thưởng hơn 200 triệu đồng |
Không tham dự SEA Games 26 do môn thể hình không đưa vào chương trình thi đấu, nhưng lực sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng sẽ nhận 400 triệu đồng cho năm 2011. Đó là 110 triệu đồng tiền thưởng từ Chính phủ cho 2 HCV thế giới và châu Á cùng khoản thưởng tương đương 110 triệu đồng từ đơn vị chủ quản TP.HCM. Bên cạnh đó, Mỹ Linh còn nhận thêm 180 triệu đồng/năm (15 triệu đồng/tháng) tiền đãi ngộ cho VĐV tài năng của TP.HCM nhờ thành tích ở đấu trường thế giới.
Khi VĐV làm thương hiệu
Mức lương bình quân của các VĐV thể thao thành tích cao hiện nay tầm 7-8 triệu. Đây rõ ràng là khoản thu nhập không thể giúp họ lấy nghề nuôi mình, nhất là khi đối với các VĐV thể thao quãng thời gian họ thi đấu thành tích cao không phải là dài. Vì thế, hầu hết các VĐV sống được là nhờ vào thành tích đạt được trên đấu trường quốc tế.
Tất nhiên, một khi các VĐV chỉ có thể sống nhờ thành tích thì đều mang tính nhất thời. Ngoài Quang Liêm và Tiến Minh - những VĐV đã đạt đẳng cấp thế giới và thường xuyên tham dự các giải đấu quốc tế, thì hầu hết các VĐV thể thao thành tích cao còn lại đều phải trong thời gian dài tập chay, họa chăng là những năm có SEA Games họ mới được "bung sức". Trong khi đó, những khoản tiền lương cho đa số VĐV không đủ cho họ nuôi sống gia đình. Trường hợp VĐV giành HCĐ thế giới Taewondo và suất tham dự Olympic London 2012 Huỳnh Châu phải sống với mẹ trong căn nhà chỉ 10m2 không phải là trường hợp cá biệt đối với TTVN.
Tiến Minh từng nói, ở nơi khác anh đã có biệt thự, xe hơi |
Có một lối thoát gần như là duy nhất đối với các VĐV thành tích cao đó là họ buộc phải tự đi tìm nhà tài trợ cho mình, may mắn lắm mới có trường hợp nhà tài trợ tìm đến. Ngay cả như trường hợp của Quang Liêm, Tiến Minh hay Hoàng Thiên trước ngày đạt được đẳng cấp như hiện nay cũng đều phải tự đi tìm cho mình những Mạnh Thường Quân chứ không thể phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Với việc gắn thương hiệu cùng Becamex, riêng năm 2011 vừa qua Tiến Minh cũng đã thu về được con số lên đến 600 triệu đồng, một con số mơ ước với rất nhiều VĐV thể thao.
Thực ra những năm gần đây, các bộ môn thể thao thành tích cao cũng nhận được không ít sự quan tâm từ xã hội, song con số vẫn còn khá nhỏ giọt chưa tương xứng với tiềm năng (hầu hết là tài trợ tập thể). Vì vậy, việc các VĐV có thể tạo dựng được thương hiệu cho cá nhân mình khi gắn mác thương hiệu cùng các doanh nghiệp là một hướng đi tuy không mới với thể thao chuyên nghiệp, song cũng là điều mà các nhà làm TTVN cần lưu tâm.
THIÊN VŨ