Tết này chỉ lo giữ giá, giải phóng hàng tồn
DN chỉ dám kỳ vọng sức mua sẽ tăng vọt vào phút cuối. Ảnh TN |
Hàng Tết bị ùn ứ
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, hiện nay kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán gần như đã hoàn thành xong. Trong đó, nguồn cung từ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường sẽ chiếm từ 30 – 40% thị phần. Nguồn cung từ các chợ đầu mối chiếm 40 – 50% thị phần, riêng mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản sẽ do 3 chợ đầu mối lớn trên địa bàn TP cung cấp. Nguồn hàng còn lại do các DN trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận tham gia.
Tuy nhiên, theo các DN, mặc dù sản lượng các nguồn hàng đã chuẩn bị sẵn sàng phục vụ Tết nhưng đến thời điểm hiện tại, hàng hóa lại không lưu thông được đến các địa điểm phân phối, do lệnh cấm xe tải đi vào giờ cao điểm. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết: “Hiện công ty đã chuẩn bị xong sản lượng trứng để bán Tết, song TP đã cấm xe tải di chuyển vào giờ cao điểm khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Bởi thông thường, trứng gia cầm phải được vận chuyển tới các chợ truyền thống vào buổi sáng để kịp bán, nhưng giờ bị cấm, công ty không biết vận chuyển vào giờ nào. Nếu vận chuyển bằng xe máy thì rất cồng kềnh và thường bị phạt”.
Bà Huân cho biết thêm, mọi năm công ty của bà đều xin lưu thông được khoảng 30 xe tải vào thời điểm cuối năm để bán hàng nhưng năm nay cấm hết nên không làm ăn gì được. Nếu Sở GTVT TP.HCM không xem xét tạo điều kiện cho DN lưu thông hàng hóa, e rằng cuối năm hàng thì có mà không bán được.
Bên cạnh đó, những DN chuyên kinh doanh các mặt hàng rau, củ, quả, bánh kẹo cũng đang “méo mặt” với lệnh cấm trên. “Nhiều lúc các siêu thị hết hàng và yêu cầu công ty mang hàng tới gấp, nhưng do vướng lệnh cấm nên cũng đành bó tay. Hiện công ty đã thiệt hại khoảng 20 – 30% giá trị lô hàng vì đứng hàng, không giao hàng đúng tiến độ”, ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bibica ngán ngẩm nói.
Trao đổi về vấn đề này, bà Đào cũng cho rằng, nếu tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới DN. Vì vậy, Sở Công thương TP.HCM sẽ làm việc với Sở GTVT TP.HCM và một số đơn vị liên quan để ưu tiên một số tuyến đường cho các DN sản xuất. Muộn nhất là đến đầu tuần sau, sẽ có thông báo giải quyết cho những DN bình ổn giá.
Cố gắng giữ giá cứu sức mua
Không chỉ gặp khó khăn về việc lưu thông, các DN sản xuất phục Tết sắp tới còn lo ngại, hàng tồn kho vẫn còn nhiều và sức mua không khả quan nên chiến dịch hàng Tết vẫn còn “giậm chân tại chỗ”. Công ty TNHH Một thành viên Vissan dự đoán, mùa tiêu dùng Tết năm nay, người dân sẽ mua không nhiều, doanh số chỉ mong tăng khoảng 2% so với năm trước. Đó là chưa kể, tính đến nay, Vissan vẫn còn tồn kho khoảng 3.000 tấn thịt heo, 200 tấn thịt trâu bò nguyên liệu, 670 tấn thực phẩm chế biến, với tổng trị giá tồn kho ước khoảng 400 tỉ đồng.
Ông Thiện cũng cho rằng, nhóm hàng bánh kẹo luôn được kỳ vọng và đánh giá là khởi sắc hơn các nhóm hàng khác trong ngày lễ, Tết. Song, Bibica cũng chỉ dám kỳ vọng sức mua sẽ tăng vào phút cuối. Theo khảo sát của công ty này cho thấy, phân khúc bình dân từ 30.000 – 90.000 đồng/hộp bánh vẫn đang chiếm phần lớn. Do đó, Bibica cũng tập trung vào dòng sản phẩm bình dân nhiều hơn những dòng sản phẩm cao cấp. Song, điểm sáng duy nhất của năm nay là, hầu như các mặt hàng Trung Quốc đều bị từ chối tại các chợ truyền thống. Bởi vậy đây sẽ là cơ hội tốt cho những DN Việt Nam đưa hàng vào chợ.
Theo Sở Công thương TP.HCM, dự báo từ giờ đến cuối năm, tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn và theo tính toán thì sức mua sẽ bị chững lại. Song, không thể không có chuyện người dân không ăn Tết, mà thay vào đó sẽ cân nhắc kĩ hơn và tìm đến những đơn vị bán lẻ nào có gói kích cầu phù hợp, giá cả tốt nhất để mua sắm. Nắm bắt tình hình này, Sở đã làm việc với các DN và họ cam kết sẽ không biến động về giá trong dịp cuối năm. Duy chỉ có một số mặt hàng bánh kẹo, bia, nước giải khát có kế hoạch tăng giá nhẹ từ 5 – 7%.