Tết này, các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng nữa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Địa phương không ra Hà Nội chúc Tết
"Tết này, xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh là các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng các Bộ trưởng nữa và ở đây, không phải chỉ miền Nam không ra Bắc mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội nữa", Thủ tướng nêu rõ chỉ đạo tại Hội nghị.
Thủ tướng cũng chia sẻ, theo kinh nghiệm, câu chuyện của một số cán bộ là cứ Tết lo ngay ngáy, không tới thăm tặng quà các lãnh đạo thì băn khoăn và cũng không biết mua cái gì, suy nghĩ mấy ngày đêm...
"Không đến thì băn khoăn, đến thì xếp hàng chờ khổ cực vô cùng nhưng lần này, anh em tình nghĩa, thu gọn lại. Mình gương mẫu là rất cần thiết và làm như vậy sẽ nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí.
Có đồng chí nói với tôi là tặng quà Tết, anh em băn khoăn lắm, lo lắng lắm nên giờ giảm đi thì sẽ vui vẻ hơn. Chúng ta gặp nhau hàng ngày, các đồng chí ở các tỉnh đi vào, đi ra, lên, xuống xếp hàng đến Hà Nội làm xe nhiều quá, chạy chật cả đường.
Mình làm gương cho nhân dân và nhất là làm giảm việc đi mua hóa đơn, xuất ngân sách ra làm quà rồi dối trá, rồi phong bì đụng đầu nhau...", Thủ tướng chỉ rõ.
Cũng với đó, theo Thủ tướng, việc Thủ tướng, các Phó Thủ tướng xuống địa phương sẽ thực hiện rất đơn giản.
"Đoàn xe ngắn gọn hơn, đón tiếp đơn giản hơn, không phải qua biên giới hai tỉnh đón tiếp, bắt tay, chụp ảnh này khác mất thời gian, vất vả. Mình đi thế này phải đơn giản hơn, tình cảm anh em, đồng chí trọn vẹn nhưng gần gũi với nhân dân hơn và người dân sẽ rất chú ý vấn đề này", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ:
“Thói vô trách nhiệm với công việc, vô cảm với dân… hay để thất thoát tài sản nhà nước… là những việc đụng chạm hàng ngày của khối chính quyền nên tinh thần Nghị quyết TƯ 4 là quyền lực phải được giám sát.
Đặc biệt là chống hối lộ, chống sân trước, sân sau… mà trước đây chống tiêu cực gọi là móc ngoặc. Đặc biệt chống trì trệ, nhiệm vụ được giao thì cán bộ phải tiên phong gương mẫu. Thời gian tới sẽ thay đổi cán bộ khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thấy suy thoái thì phải thay đổi ngay", Thủ tướng khẳng định.
Đã hoàn thành 6375/10.205 nhiệm vụ
Trước đó, báo cáo trước hội nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương, kết quả kiểm tra của Tổ công tác…
Báo cáo cho biết, từ 1/1/2016 đến 25/12/2016 có tổng số 10.205 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có 6.367 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 5265, quá hạn 1102); chưa hoàn thành 3838 (trong hạn 3656, quá hạn 182); số nhiệm vụ quá hạn trong năm 2016 chỉ chiếm 2,82%, giảm 22,18% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh kể từ khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Về kết quả kiểm tra của Tổ công tác tại các bộ, cơ quan, địa phương từ tháng 8 đến tháng 12/2016, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra 13 Bộ, cơ quan, địa phương (Kế hoạch và Đầu tư; Y tế, Tài chính, Công Thương, NNPTNT, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Hà Nội, TPHCM, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Tập đoàn Điện lực); tiến hành 4 cuộc kiểm tra chuyên đề (Kiểm tra trách nhiệm các Bộ: GTVT, KHĐT, Tài chính và Văn phòng Chính phủ trong việc chậm đề xuất trình Thủ tướng phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; việc chậm trình, xử lý các văn bản của một số vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ đối với đề nghị của UBND tỉnh Long An về Dự án Khu công nghệ Môi trường xanh xử lý chất thải liên vùng và đề nghị của Kiểm toán Nhà nước về giao đất xây dựng cơ sở đào tào và bộ dưỡng cán bộ của Kiểm toán Nhà nước tại các tỉnh phía Nam; kiểm tra chuyên đề về giải quyết các lô hải sản tồn kho do bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển tại Quảng Bình, Hà Tĩnh).
“Sau mỗi đợt kiểm tra, Tổ công tác đã có báo cáo kết quả gửi Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ, đồng thời có thông báo kết luận của Tổ công tác gửi từng bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra. Các báo cáo, thông báo kết luận của Tổ công tác đã đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, dư luận quan tâm, bức xúc đề nghị Chính phủ yêu cầu bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời”- Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thì thông qua các buổi kiểm tra, Tổ công tác đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Do đó nhiều nhiệm vụ còn tồn đọng liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, liên quan đến an sinh xã hội được kịp thời giải quyết, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.