"Tè bậy" nơi công cộng: Phạt nặng bằng cách này sẽ không ai dám "tiểu đường"
Ở Singapore, người tiểu bậy có thể bị phạt lên đến 1.000 SGD. Chẳng nói đâu xa, khi thực hiện Nghị định 100, phạt nặng và “bêu tên” tài xế uống rượu bia, người dân có ý thức hơn hẳn…
Mấy hôm nay, hàng rào bao quanh công viên Thống Nhất (Hà Nội) đang độ hoa giấy nở thơ mộng thì thỉnh thoảng thêm một tấm biển to gần 1m2 với hàng chữ đỏ rực “Khu vực cấm đái bậy”. Nhìn vào hàng chữ ấy, tôi cũng như nhiều người cảm thấy ngại ngùng. Nhưng thực sự, hiện tại không còn phương án nào khả thi hơn việc gắn một tấm biển như vậy khi mà tình trạng tiểu bậy (đái bậy, tè bậy) nhan nhản như hiện nay.
Tôi thường đi qua con đường Lê Duẩn - một mặt bao của của công viên Thống Nhất- thường xuyên nhìn thấy cảnh người ta dừng xe, để vào tường của công viên “xả thải”, thậm chí có cả những người ăn mặc bảnh bao đi ô tô vẫn thản nhiên như không có dòng xe cộ ùn ùn trên đường.
Từ nhiều năm nay cảnh này vẫn diễn ra mà không hề có bất kỳ lời nhắc nhở nào hoặc không có ai bị xử phạt, mặc dù đã có Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định hành vi tiểu bậy nơi công cộng sẽ bị phạt tiền lên đến 3 triệu đồng. Và không chỉ ở Hà Nội, gần như tất cả các địa phương, từ trước đến nay hầu như chưa phạt được ai “tè bậy”.
Biển cấm ở tường rào công viên Thống Nhất. |
Vì sao luật đã quy định mà nhiều người lại “nhờn” đến như vậy? Trước hết phải khẳng định, chúng ta có một hệ thống pháp luật đồng bộ và hoàn thiện. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định của pháp luật ở nhiều nơi, đôi lúc còn chưa nghiêm, khiến cho nhiều người có tâm lý “nhờn” luật.
Không chỉ Nghị định về xử phạt “tè bậy” mà đến cả Luật Giao thông và nhiều luật khác, vẫn có tình trạng xử lý chưa đồng bộ, chưa nghiêm, người vi phạm vẫn có thể dùng mối quan hệ “cháu ông nọ, bà kia” để xin xỏ. Thậm chí, có những trường hợp bảo kê, nhận tiền để bỏ qua vi phạm, chẳng hạn như hàng loạt cán bộ Thanh tra giao thông ở Hà Nội nhận tiền bảo kê “xe vua” trong năm 2019; hay nhóm CSGT ở TP Cần Thơ nhận 4,1 tỉ đồng bảo kê xe quá tải… Vì thế nhiều người vẫn kháo nhau “có cả một rừng luật, nhưng nhiều khi lại thực hiện theo luật rừng” là như vậy.
Vẫn biết trước khi ban hành Luật hay Nghị định, đã có nhiều cuộc hội thảo góp ý, lấy ý kiến nhân dân nhưng nhiều khi việc này còn hình thức, chiếu lệ. Đến khi các quy định, điều luật được ban hành, việc thực hiện rất khó khả thi. Chẳng hạn, như Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định hành vi tiểu bậy nơi công cộng sẽ bị phạt tiền lên đến 3 triệu đồng, khi ban hành đã tính hết các yếu tố để thực hiện được trong thực tế hay chưa? Đội ngũ nào sẽ làm việc giám sát, xử lý người tè bậy và việc này được thực hiện như thế nào? Để xử lý một đối tượng nào đó phải có bằng chứng cụ thể, vậy bằng chứng ở đây được thu thập bằng hình thức nào? Việc người dân tham gia thực hiện giám sát có khó khăn gì không?...
Ba là, việc thiếu thông tin đến người dân cũng khiến cho việc thực hiện luật trở nên khó khăn. Nghị định 155/2016/NĐ-CP ban hành từ năm 2016, nhưng đến nay nhiều người không biết, nhất là người dân ở vùng nông thôn, nên nhiều người vẫn vô tư coi chỗ nào cũng là “nhà vệ sinh” khi cần.
Vì thế, để hạn chế tình trạng “tè bậy” nhan nhản như hiện nay, ít nhất là ở các thành phố lớn hay Thủ đô - bộ mặt của cả nước - nhất thiết phải có những chế tài nghiêm khắc và quyết liệt hơn, mang tính răn đe. Nhưng trước khi làm được những việc này, cũng tính đến việc trang bị đủ các nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu tự nhiên của mọi người.
Cùng với đó, cần thông tin đến tất cả người dân về các quy định, mức xử phạt khi vi phạm. Việc lắp camera tất cả các nơi là điều khó thực hiện, nhưng ít nhất nên có ở những điểm công cộng, nhưng điểm hay xảy ra tình trạng tè bậy. Thường xuyên có lực lượng tuần tra, giám sát camera để phát hiện, xử lý kịp thời những người vi phạm. Vi phạm lần đầu có thể phạt theo quy định, nhưng nếu tái diễn có thể áp dụng hình thức nặng hơn như “bêu tên” trên phương tiện truyền thông ở nơi cư trú, thậm chí tính cả phương án phải lao động công ích...
Chúng tôi đã có dịp sang Singapore, chứng kiến tận mắt các con phố, kể cả rất nhỏ của họ cũng không có một cọng rác. Trên các bến tàu điện ngầm, xe buýt cũng vậy. Vì sao họ lại sạch đến như vậy? Chúng tôi là khách du lịch nhưng nghe người này kháo người kia, trước khi sang Singapore đã phải tìm hiểu rất kỹ nếu không muốn bị phạt nặng.
Trên các ga tàu điện ngầm, nơi cộng cộng đều có biển với nội dung ăn kẹo cao su, có thể bị phạt lên tới 500 - 1.000 SGD (khoảng 16 triệu đồng). Và trong cả 2 tuần trời ở nước này, chúng tôi không thấy có bất kỳ ai bỏm bẻm nhai kẹo cao su như ở nước mình. Và cũng ở đây, nếu xả rác, tiểu bậy cũng bị mức phạt đến 1.000 SGD, tái phạm sẽ bị phạt 2.000-5.000 SGD và phải lao động công ích nhiều giờ liền. Nhiều nước cũng đã thành công như Singapore khi áp dụng những biện pháp mạnh như vậy.
Vì thế, phương án đánh vào “nồi cơm” của mỗi người một cách nghiêm minh, công khai, minh bạch chắc chắn sẽ giảm đáng kể hành vi “tè bậy” xấu xí như hiện nay.
Chẳng nói đâu xa, như việc thực hiện Nghị định 100 về xử tài xế có nồng độ cồn khi tham gia giao thông với mức phạt nặng lên tới cả chục triệu, đồng thời bị “điểm tên, chỉ mặt” trên các phương tiện truyền thông thì rõ ràng tình trạng sử dụng rượu bia cũng như các vụ tai nạn giao thông do rượu bia giảm đáng kể. Quan trọng hơn, việc này đang tạo thói quen cho người tham gia giao thông: Khi đã uống rượu bia thì không lái xe! Hay trước kia là quy định về đội mũ bảo hiểm, khi được thực hiện nghiêm thì thành ý thức trong mỗi người khi tham gia giao thông.
Vì thế, khi đã ban hành luật, cần có sự thực hiện đồng bộ và nghiêm khắc, không để xảy ra tình trạng chỗ này nghiêm, chỗ kia không nghiêm; hoặc nghiêm với người này nhưng người khác thì không; chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Để làm được việc này, cần có sự tham gia của tất cả người dân, cần có cơ chế để khuyến khích, bảo vệ họ thực hiện, tố giác các hành vi vi phạm một cách kịp thời. Chỉ có như vậy, luật mới thực sự đi vào đời sống.
Theo vov.vn