Tàu phóng lôi – “Những chú lính chì dũng cảm” của Hải quân Liên Xô
Phần 1:
Đề án 184 - “Thành danh” ở xứ người
Chỉ có hai tàu phóng lôi Đề án 184 được đóng ở Liên Xô. Nhưng ở Trung Quốc, đã có đến hàng trăm tàu phóng lôi kiểu này được đóng cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, với định danh là tàu phóng lôi kiểu 025 lớp Hồ Xuyên.
Mô phỏng 3D tàu phóng lôi kiểu 025 lớp Hồ Xuyên (đóng theo mẫu Đề án 184) |
Nguyên do là vào thời điểm bấy giờ, Trung Quốc gặp nhiều vấn đề với các tàu phóng lôi P-4 (đóng theo mẫu Đề án 123K) và P-6 (đóng theo mẫu Đề án 183). Trong khi các tàu P-4 có hỏa lực yếu, rất khó đối phó với máy bay địch đánh chặn, thì tàu P-6 lại có vỏ gỗ, tuy nhẹ nhưng dễ bắt cháy. Thiết kế tàu phóng lôi Hồ Xuyên là sự kết hợp giữa vỏ tàu kim loại vững chắc của P-4 và hỏa lực mạnh của P-6. Ngoài trang bi cho Hải quân Trung Quốc (130 chiếc), các tàu phóng lôi Huchuan còn xuất hiện trong biên chế hải quân của nhiều nước: Albania (32 chiếc), Bangladesh (8 chiếc), Burundi (4 chiếc), Pakistan (4 chiếc), Tazania (4 chiếc), Romania (3 chiếc) ...
Tàu phóng lôi Đề án 184 có lượng giãn nước tiêu chuẩn 31,5 tấn, tối đa 34,1 tấn. Tàu dài 21,6m, rộng 5m, mớn nước 2,1m. Với ba động cơ diesel M-50F3 công suất 1.200 mã lực, tàu có vận tốc tối đa 46 hải lí/h. Dự trữ hành trình của tàu là 2 ngày, tầm hoạt động 500 hải lí ở tốc độ 33 hải lí/h và giảm xuống 300 hải lí ở tốc độ 45 hải lí/h.
Về hỏa lực, tàu đươc trang bị hai trọng liên 14,5mm hai nòng 2M-5 và hai ống phóng ngư lôi 533mm. Tàu cũng có radar trinh sát mục tiêu mặt biển và đường không Zarnitsa, hệ thống nhận diện địch - ta Nickel và Khrom. Biên chế thủy thủ đoàn 10 người.
Đề án 205T và 205ET
Trong giai đoạn 1974-1977, Liên Xô đã đóng 4 tàu phóng lôi Đề án 205T và 4 tàu Đề án 205ET. Nhìn chung, các tàu phóng lôi này không khác nhiều với các tàu tên lửa cao tốc Đề án 205 (tức Osa), chỉ khác ở vũ khí chính của tàu: thay cho 4 ống phóng đạn diệt hạm P-15 là 4 ống phóng ngư lôi 533mm. Có lẽ đây là một thiết kế tàu phóng lôi với giá thành thấp hơn các tàu tên lửa cao tốc. Tuy nhiên, bản thân các tàu tên lửa cao tốc Osa cũng đã có giá rất rẻ.
Tàu phóng lôi Đề án 205T có lượng giãn nước tiêu chuẩn 170 tấn, tối đa 220 tấn. Tàu dài 38,5m, rộng 7,7m, mớn nước 1,8m. Với ba động cơ diesel M-504 công suất 5.000 mã lực, tàu có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 41 hải lí/h, dự trữ hành trình 10 ngày, tầm hoạt động 600 hải lí ở tốc độ 35 hải lí/h.
Tàu phóng lôi kiểu 025 lớp Hồ Xuyên của Trung Quốc |
Vũ khí phòng không của tàu là hai pháo cao tốc AK-230 (cơ số đạn 2.000 viên) với radar điều khiển hỏa lực MR-104 Rys. Vũ khí diệt hạm chính là bốn ống phóng ngư lôi OTA-53-206E cỡ 533mm. Tàu cũng có thể rải thủy lôi loại KMD-2-1000 hoặc thủy lôi UMD-E. Tàu được trang bị radar MR-102 Baklan với tầm trinh sát mục tiêu mặt nước là 25 hải lí và 16 hải lí với mục tiêu bay thấp. Biên chế thủy thủ đoàn 25 người.
Sau khi hoạt động một thời gian trong biên chế hải quân Xô viết, các tàu phóng lôi Đề án 205T và 205ET đươc chuyển cho một số nước: Somalia, Sri Lanka và Nam Yemen.
Đề án 206
Tàu phóng lôi Đề án 206 lớp Shershen được thiết kế dựa trên tàu phóng lôi Đề án 183, được sản xuất với số lượng tương đối lớn: 80 tàu. Vào giai đoạn này, các tàu tên lửa cao tốc đã chiếm ưu thế, nhưng các tàu phóng lôi vẫn được duy trì do có giá thành rẻ và dễ bảo trì. Vỏ tàu được làm bằng duralumin, thích hợp cho nhiệm vụ tuần tra gần bờ, trong điều kiện tầm nhìn tốt.
Tàu phóng lôi Đề án 206 có lượng giãn nước tiêu chuẩn 129 tấn, tối đa 161 tấn. Tàu dài 34,1m, rộng 6,8m, mớn nước 1,7m. Tàu được trang bị ba động cơ loại M-503G công suất 4.000 mã lực hoặc ba động cơ M-504B công suất 5.000 mã lực, cùng ba máy phát điện diesel 28kW. Với dự trữ hành trình 5 ngày, tàu có tầm hoạt động 1.700 hải lí ở tốc độ tiết kiệm 13 hải lí/h, và giảm xuống 800 hải lí ở 30 hải lí/h, 600 hải lí ở 35 hải lí/h, 460 hải lí ở 42 hải lí/h.
Đề án tàu phóng lôi 206 Shershen |
Vũ khí của tàu là hai pháo cao tốc AK-230 và bốn ống phóng ngư lôi OTA-53-206. Tàu cũng có 12 bom chìm BB-1 để chống ngầm và 6 thủy lôi. Để trinh sát mục tiêu mặt nước và trên không, tàu được trang bị radar MR-102 Baklan. Biên chế thủy thủ đoàn 21 người.
Hải quân Nhân dân Việt Nam đã nhận được từ Liên Xô 16 tàu phóng lôi Đề án 206 Shershen trong giai đoạn 1979-1983. Một số tàu được cải tiến lắp thêm tên lửa vác vai 9K32 Strela-2 để tăng khả năng phòng không. Đến nay, nhiều tàu đã được chuyển giao cho cảnh sát biển (thay pháo AK-230 bằng pháo 25mm hai nòng), một số bị loại biên.
Đề án 206M
Tàu phóng lôi Đề án 206M lớp Turya là thiết kế tàu phóng lôi cuối cùng của thời kì Xô viết. Sau đó, ngư lôi vẫn được trang bị trên nhiều tàu chiến của Liên Xô/Nga, nhưng không còn là vũ khí chính.
Tàu phóng lôi Đề án 206M lớp Turya là phiên bản hiện đại hóa của Đề án 206 lớp Shershen. Tổng cộng đã có 40 tàu phóng lôi Turya được sản xuất, gồm 24 tàu Đề án 206M (đóng trong giai đoạn 1973-1976) và 16 tàu Đề án 206ME (phiên bản xuất khẩu cắt giảm tính năng, đóng trong giai đoạn 1978-1985).
Tàu phóng lôi Đề án 206M lớp Turya có lượng giãn nước tiêu chuẩn 218 tấn, tối đa 250 tấn. Tàu dài 39,5m, rộng 7,6m, mớn nước 1,64m. Được trang bị ba động cơ diesel M-504B công suất 5.000 mã lực, cùng một máy phát điện diesel 200kW, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 44 hải lí/h. Dự trữ hành trình của tàu là 5 ngày, tầm hoạt động 1.450 hải lí ở tốc độ 14 hải lí/h, và giảm xuống 600 hải lí ở tốc độ 37 hải lí/h.
Tàu phóng lôi Turya trong biên chế hải quân Nhân dân Việt Nam |
Tàu được trang bị một pháo phòng không 57mm hai nòng AK-725 (cơ số đạn 600 viên) với radar điều khiển hỏa lực MR-103 Bars, một pháo 25mm hai nòng 2M-3M (cơ số đạn 1.200 viên), bốn ống phóng ngư lôi OTA-53-206M cỡ 533mm và 10 bom chìm chống ngầm. Hệ thống điện tử của tàu gồm radar trinh sát mục tiêu mặt biển và đường không MR-102 Baklan, radar hàng hải MR-206, sonar chống ngầm MG-329 Sheksna (chỉ có trên các tàu Đề án 206M) và hệ thống thông tin chiến đấu Dozor-1. Biên chế thủy thủ đoàn 25 người.
Sau các tàu phóng lôi Shershen, trong giai đoạn 1984-1986, Việt Nam nhận được 5 tàu phóng lôi Turya, phiên bản xuất khẩu Đề án 206ME. Đây là những chiếc tàu “mới cứng” vừa được nhà máy đóng tàu Vladivostok hoàn thành vào các năm 1984-1985, và cũng là 5 tàu phóng lôi Turya cuối cùng được đóng. Nhờ có hỏa lực tương đối mạnh, nên đến nay các tàu phóng lôi lớp Turya vẫn phục vụ có hiệu quả trong Hải quân Nhân dân Việt Nam, mang số hiệu HQ-331, HQ-332, HQ-333, HQ-334 và HQ-335.
Bước sang thế kỉ XXI, thực tế vai trò tấn công nhanh và bất ngờ của các tàu phóng lôi đã được chuyển giao cho các tàu tên lửa cao tốc. Tuy nhiên, ngư lôi vẫn được trang bị và vẫn là một vũ khí hiệu quả của hải quân.