Tấp nập chợ thịt ôi chân cầu Thăng Long
Tấp nập chợ thịt ôi chân cầu Thăng Long
Chợ thịt ôi dưới chân cầu Thăng Long (Hà Nội) diễn ra tấp nập từ khoảng 10h đến 13h chiều hàng ngày trên địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh.
Chỉ bán thịt ôi, thịt ế
Cứ khoảng 10h trưa khu chợ thịt ôi dưới chân cầu Thăng Long lại tấp nập bởi đoàn tiểu thương buôn thịt từ các chợ nội thành đổ về để tiêu thụ hàng ế trong ngày.
Thịt "ế" tại các chợ trong nội thành được bọc vào từng túi bóng để đưa về đây, người mua phải đeo găng tay để lựa chọn, phân loại. Ảnh: Phạm Thơm |
Sản phẩm tồn là những mảng thịt lợn, bò trắng bệch, thâm đỏ, ngoài ra còn có thịt gà được đựng trong những chiếc làn cỡ bự cáu bẩn. Bàn bày thịt đơn giản chỉ là những bao tải, túi nilong, tấm bìa thay thớt thái thịt, vậy mà khu chợ ấy vẫn thu hút khá đông người ghé thăm và mua.
Chúng tôi đến chợ vào ngày nắng nóng, dừng xe mùi thịt ôi bốc lên khó chịu. Vừa dừng trước dãy hàng, cả chục người mời chào với những lời nói ngọt ngào “em ơi, mua thịt đi, thịt mới tươi ngon giá lại phải chăng, mua đi chị (anh) để rẻ cho”.
Chợ thịt ôi được tập trung thành dãy bày bán những tảng thịt lợn, bò, gà trên những bao tải cáu bẩn |
Khu chợ “tạm” với các mặt hàng thịt lợn “đồng giá” từ thịt mông, vai, chân giò, ba chỉ giá 80.000 – 90.000 đồng/kg. Đây là giá chủ hàng đưa ra, người mua có thể thương lượng để giảm thêm chút nữa. Thịt bò giá rẻ giật mình: 90.000 đồng/kg, thịt gà cũng là mặt hàng đồng giá với mức giá 45.000 – 50.000 đồng/kg. Giật mình với mức giá mà các tiểu thương đưa ra, chỉ bằng phân nửa so với giá thịt tại các chợ dân sinh.
Từng tảng thịt trắng bệch hoặc đỏ thâm được người bán chào mời không ngớt |
Khi người mua tỏ ra ngập ngừng vì chất lượng thịt, liền nhận được lời giải thích của chủ hàng tên Hà người Vĩnh Phúc “Thịt này chị mổ lúc sớm bán giá cao coi như lấy lãi nhưng giờ trưa rồi lấy đi chị để lỗ cho chị còn về cho sớm, chợ hôm nay vắng khách quá”.
Lân la qua “gian hàng” thịt lợn của anh Chung, ngỏ ý hỏi về nguồn gốc mặt hàng thịt, anh cho biết: “Nhà ở ngay Đông Anh, mỗi sáng thịt 4 con vừa phân phối cho các người lấy buôn vừa bán lẻ tại chợ trong nội thành, nhưng tầm 10h là họ chê thịt ko tươi nữa vì vậy kéo ra đấy đắt rẻ cũng bán gỡ ít vốn, gặp may thì bán được cho người buôn còn không thì ngồi bán lẻ cho dân quanh vùng hay sinh viên ít tiền như cô” (cười).
Khi tôi thắc mắc, lấy buôn người ta đi sớm lấy hàng tươi việc gì phải qua đây, anh rất tự nhiên nói: "Người lấy buôn ở đây là những quán ăn quanh vùng".
Hàng bày bán phần nhiều là thịt ế, mỡ dày, bèo nhèo. |
Theo quan sát của PV người đến mua thịt là những người dân sống quanh vùng với thu nhập thấp, dù biết thịt bị ôi nhưng giá rẻ nên họ vẫn chấp nhận mua và tìm cách chế biến cho hấp dẫn. Bật mí của người bán hàng tên Chung thì khách hàng quen thuộc của chợ thịt ôi này còn là những hàng cơm, quán ăn.
Khu chợ tạm ấy mặt hàng rất đa dạng, phong phú ngoài thịt “ôi” còn có hoa quả, rau cũng được dân buôn mang đến tập trung lại phân phối giá rẻ cho khách hàng.
Người mua, người bán trao đổi tấp nập giữa không gian bao quanh là cái nóng hầm hập của những ngày cuối hè, bụi đường tung mù mịt. Những tiếng giao hàng ngọt cùng sự nhiệt tình của những vị khách quen thuộc, khu chợ ấy vẫn ngày ngày diễn ra không chịu sự quản lý và kiểm soát của bất kể cơ quan chức năng nào.
Bất chấp thời tiết, dịch bệnh chợ thịt ôi vẫn hoạt động bình thường, người mua người bán vẫn bất chấp mối nguy cho sức khỏe người sử dụng để đưa thịt ôi đưa lên bàn ăn. Không rõ các cấp chính quyền địa phương đã có những biện pháp gì để chấn chỉnh hoạt động của khu chợ tạm này?
PHạm Thơm