Táo Quân 2018: Tiếng cười sâu cay còn sót lại sao vẫn bị chê nhạt?
Đến hẹn lại lên, Táo Quân 2018 đã lên sóng VTV vào tối 30 Tết trong sự chờ đợi của nhiều khán giả truyền hình. Chương trình năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu 15 năm thực hiện.
Đó là chặng đường đủ để Táo Quân trở thành một hương vị không thể thiếu của ngày Tết. Còn với các nghệ sĩ, như chính họ thừa nhận, Táo Quân đã trở thành một phần của tuổi trẻ, thanh xuân và sự nghiệp.
Đả kích sâu cay vấn nạn xã hội
Táo Quân 2018 có thời lượng tương đương với mọi năm và tiếp tục ngắn hơn buổi ghi hình trước đó. Tuy vậy, nếu ai có cơ hội xem trực tiếp, không khó để nhận ra chương trình năm nay không bị cắt quá nhiều, đặc biệt là những cảnh “đắt”. Cấu trúc nội dung của Táo Quân, do vậy, hoàn toàn được bảo toàn.
Năm nay, bộ ba Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu vẫn do Quốc Khánh, Xuân Bắc và Công Lý đảm nhận. Nhưng số lượng Táo tăng đáng kể khi có sự trở lại của Minh Vượng, Minh Hằng cùng dàn Táo quen thuộc là Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung, Tự Long.
Ngoài các gương mặt nghệ sĩ gạo cội, Táo Quân 2018 cũng có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hài trẻ như Đỗ Duy Nam, Dũng Hớn, Minh Tít, Trung Ruồi cùng dàn diễn viên nhí, trong đó có Bi Béo và Minh Bủm - hai cậu con trai của Xuân Bắc.
Điều đặc biệt của buổi chầu năm nay là Ngọc Hoàng tuyên bố bỏ phần báo cáo, thay vào đó các Táo được chơi trò chơi để chọn ra danh hiệu “Tinh hoa đệ nhất Táo”. Dù vậy, thông qua các phần thi, chương trình vẫn mang đậm tinh thần “tống cựu” khi đả kích hàng loạt vấn nạn nhức nhối trong xã hội.
Không nói vòng vo, sau trước, Táo Quân 2018 đề cập trực diện chuyện thuốc ung thư giả của ngành y, những vấn đề kinh tế còn tồn tại. Câu chuyện về cải cách giáo dục, điểm sư phạm quá thấp, vấn nạn ô nhiễm môi trường hay thực trạng sử dụng mạng xã hội cũng bị đả kích và chấm biếm.
Đặc biệt, chương trình năm nay đã “chỉ mặt gọi tên” quốc nạn tham nhũng, tranh quyền, đoạt ghế, con ông cháu cha gây bức xúc trong xã hội bằng những từ tương đối mạnh như “chống lưng”, “lên được chưa chắc xuống được”.
“Cầm tiền thì sợ tiền rơi. Cầm tờ A4 đời đời ấm no”, câu nói của bố Táo Ta và được Táo Ta (Bi Béo) – một cậu bé mặc áo-màu-đỏ - nhắc lại là một trong những lời thoại sâu sắc nhất đả kích suy nghĩ “con ông cháu cha”, chức tước đi liền với bổng lộc đang tồn tại trong xã hội.
Gần nửa chương trình bị chê nhạt
Giữa thị trường hài mà sự nhảm nhí, buông tuồng đang ngày càng phổ biến, Táo Quân vẫn được xem là một thương hiệu của tiếng cười tử tế. Đúng như đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng chia sẻ việc tạo ra tình huống gây cười là yếu tố tiên quyết nhưng thông qua đó ê-kíp cũng muốn gửi gắm những thông điệp và phản ánh những vấn đề xã hội.
Là chương trình hài kịch chính luận trên truyền hình, Táo Quân luôn dễ bị rơi vào hai trạng thái của sự phản ứng: hay hoặc nhạt. Đã có những năm như 2009, Táo Quân được nhận xét là xuất sắc, những bản nhạc chế về lũ lụt đến bây giờ vẫn còn được nhắc lại, xem lại. Nhưng cũng có những năm, chương trình gây thất vọng và bị chê thậm tệ.
Với Táo Quân 2018, sau khi chương trình phát sóng, mạng xã hội chia thành hơn hai miền với đầy tranh cãi. Một miền cho rằng chương trình năm nay nhạt, không được như kỳ vọng. Miền thứ hai lại thấy Táo Quân năm nay hay, nhiều ca khúc chế có ca từ bắt tai cùng những câu nói có thể "viral" trên mạng xã hội. Và miền còn lại là... miền thấy đủ.
Đủ, đôi khi không phải xuất phát từ việc họ không biết là hay hay dở. Đơn giản hơn, nhiều người đã tự khoác cho Táo Quân chiếc áo vừa vặn thay vì chiếc áo quá rộng mà tổng đạo diễn của Táo Quân là đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng nhiều lần đề cập.
“Tôi thấy Táo Quân năm nay tròn trịa, có những lúc tôi được cười sảng khoái, có những lúc tôi nghĩ ngợi, dù khoảng nửa của chương trình hơi nhạt”, một ý kiến bình luận trên mạng xã hội.
Công bằng mà nói, nửa đầu của chương trình, ê-kíp quá dụng công trong việc khai thác chất liệu xã hội.Việc tham chi tiết khiến các vấn đề được nhắc đến chóng vánh. Ê-kíp vẻ như đã nỗ lực hài hước chúng nhưng lại không tạo được tiếng cười thoải mái.
Trong phần dự thi thời trang của các Táo, duy chỉ có phần của Tự Long với màn đả kích thói sống ảo câu like, nghiện livestream, tranh cãi, chửi bới trên mạng cùng ca khúc chế Thật bất ngờ là hấp dẫn và gây cười hơn cả.
Ngoài Tự Long, ở nửa đầu chương trình, Quốc Khánh cũng tạo được ấn tượng. Những câu thoại về “khởi nghiệp” vừa gây cười vừa có sự thâm thúy bên trong.
Kịch bản năm nay cũng được cho là dành nhiều ưu ái cho nhân vật Ngọc Hoàng. Thay vì thỉnh thoảng “thả vài câu” như mọi năm, năm nay, Ngọc Hoàng thoại liên tục ở phần đầu. Một điểm đáng chú ý khác, Táo Quân 2018 cũng là năm đầu tiên Ngọc Hoàng Quốc Khánh không ngồi "ngai vàng".
Bù lại phần đầu nhạt, ở phần sau Táo Quân đã khiến nhiều khán giả truyền hình “cười chảy nước mắt” với phần chơi tranh ghế, từ ghế nhỏ đến ghế to, từ nhiều ghế đến một ghế duy nhất.
Trò chơi không chỉ giúp sân khấu Táo Quân trở nên sôi động mà cũng giúp các nghệ sĩ có thể dễ dàng gắn kết, tung tẩy với nhau và tạo ra tiếng cười thật nhất cho khán giả (thay vì những tiếng cười nhân tạo sau quá trình biên tập).
Đã đến lúc cần một format mới?
Táo Quân năm nay đã có nhiều thay đổi, từ người cầm trịch chương trình vốn là Bắc Đẩu nay chuyển sang Nam Tào. Chương trình cũng có một cấu trúc tương đối khác với mọi năm. Thiên Lôi cũng nhiều hơn. Thế nhưng, vẻ như sự thay đổi này chỉ mới đáp ứng được yếu tố hình thức.
Năm nay, Táo Quân bị nhiều người nhận xét là dàn trải, các phần nội dung liên kết với nhau chưa thực sự liền mạch. Việc Bắc Đẩu hiền lành hẳn so với mọi năm cũng khiến nhiều người không quen. Sự đanh đá, chua ngoa của Bắc Đẩu vốn là thương hiệu của Thiên Đình, do vậy, khi điều đó không còn tồn tại thì Thiên Đình cũng sẽ thêm phần xa lạ.
Báo chí từng đặt vấn đề về sự chuyển giao thế hệ trong Táo Quân. Mới đây, nghệ sĩ Chí Trung cho rằng Táo Quân nên dừng lại sau 15 năm vì chương trình đã lên đến đỉnh. Không khó để nhận ra, dàn nghệ sĩ Táo Quân, dù vẫn đầy nhiệt huyết nhưng cũng đã trở nên quá quen thuộc với những nét diễn giống nhau qua năm tháng.
Táo Quân - một thương hiệu về tiếng cười sâu cay và tử tế, nếu dừng lại cũng thực sự là điều đáng tiếc. Hiếm có chương trình hài kịch truyền hình nào ở Việt Nam được đầu tư chỉn chu; các nghệ sĩ dành nhiều tâm sức tập luyện xuyên đêm nhiều tháng trời như vậy.
Thế nhưng, 15 năm cũng là hành trình đủ dài để một chương trình nghệ thuật thay đổi, và đón nhận một format mới. Vẫn là Ngọc Hoàng, vẫn có các Táo, nhưng biết đâu thông qua cách kể mới, khán giả sẽ đón nhận với một tâm thế mới, bớt kỳ vọng hơn và cũng bớt so sánh hơn.