Tăng tuổi nghỉ hưu: Có bao nhiêu người thực hiện theo lộ trình từ năm 2021?
Văn phòng Chủ tịch nước chiều hôm qua đã họp báo thông tin lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được QH khóa 14, kỳ họp thứ 8 thông qua.
Có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn không quá 5 năm
Giới thiệu một số nội dung lớn của bộ luật Lao động, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, bộ luật thể chế hóa Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 vào năm 2028, nữ ở tuổi 60 vào năm 2035 theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nữ và 4 tháng đối với nam kể từ 2021.
Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) được áp dụng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ ban hành danh mục những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, huy hiểm để làm cơ sở xác định những trường hợp người lao động có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Theo đó có khoảng 1.810 nghề, số lượng người lao động đang làm các công việc này khoảng 3 triệu người.
Bộ luật cũng quy định quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) được áp dụng đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt. Việc này sẽ có nghị định chi tiết về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu.
Nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho hay, việc nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng và quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300 giờ/năm.
Bộ luật Lao động 2019 cũng bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9.
Ngoài ra, bộ luật cũng quy định về tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và hoạt động của tổ chức này trong việc đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quan hệ lao động.
Đồng thời, bộ luật cũng mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, lao động chưa thành niên làm việc không có quan hệ lao động…
Bộ luật Lao động 2019 cũng mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động gần 20 triệu người; mở rộng áp dụng một số quy định đối với cả người lao động không có quan hệ lao động, một số nội dung áp dụng cho toàn bộ lực lượng lao động xã hội 55 triệu người lao động.
Bộ luật Lao động 2019 có 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, sẽ có khoảng 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng và 7 thông tư của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bộ luật.
Bộ luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Thu Hằng/VNN