Tăng trưởng kinh tế xanh cho Quảng Ninh là mục tiêu chiến lược
Phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là mục tiêu chung của cả nước trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và kết luận của Hội nghị Trung ương 3 khoá XI. Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với tổng thể nền kinh tế nước ta và đối với từng địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng hội tụ được các yếu tố để có thể thực hiện được mục tiêu này.
Quảng Ninh tận dụng và phát huy tối đa công nghiệp Trung ương tại địa phương; Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp địa phương, trọng tâm là công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao. Nhanh chóng và xây dựng chuyển dịch các khu, cụm công nghiệp lên phía Bắc và phía Tây; Phát triển dịch vụ theo hướng công nghiệp dịch vụ (tài chính, ngân hàng, viễn thông, hàng hải, hàng không, thương mại biên giới, y tế, giáo dục, khoa học và chuyển giao công nghệ…) và công nghiệp giải trí (các loại hình du lịch, các loại hình văn hóa, các loại hình vui chơi giải trí cao cấp…); Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với hình thành các vùng sản xuất rau, hoa, quả, cây cảnh…, đột phá là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
Theo khu vực, Quảng Ninh sẽ tạo được một chuỗi dịch vụ, sản xuất và giải trí với Móng Cái là cửa khẩu; Hải Hà là khu công nghiệp sạch, công nghệ cao; Hạ Long là thăm quan thưởng ngoạn với vẻ đẹp thần tiên, lung linh huyền ảo, duyên dáng, mộng mơ…; Nghỉ ngơi vui chơi giải trí cao cấp tại Vân Đồn; Điểm đột phá của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng là phải thúc đẩy nhanh để cơ bản hoàn thành đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh vào năm 2020; Đồng thời phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh ở Quảng Ninh là vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa làm vừa điều chỉnh cho hợp lý, không từ bỏ ngay lập tức mô hình này để hoàn toàn sử dụng mô hình khác mà phải kết hợp hài hòa và hợp lý, những gì đang làm thì chúng ta phải giữ gìn, tôn trọng nó để từ đó kế thừa, phát huy và điều chỉnh hướng đến mục tiêu mới, cách làm mới; Nhằm xử lý hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển.
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế xanh, của tăng trưởng bền vững, hiện nay Quảng Ninh đang quyết tâm, nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, từ chưa bền vững sang bền vững, dựa trên năng suất cao hơn và sự cân bằng giữa các ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.