Tăng trưởng cho vay của VP Bank thấp, vì sao?
Cho vay tiêu dùng chậm lại
Theo báo cáo tài chính của VPBank, 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 6,13 ngàn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ và hoàn thành 57% kế hoạch năm.
Tăng trưởng thu nhập hoạt động tăng 25,8%, trong khi mức tăng của cùng kỳ năm 2017 là 48,3% và cùng kỳ năm 2016 là 40,3%.
Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 23,3%, trong khi mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2017 là 33,2% và cùng kỳ năm 2016 là 61,4%.
Đáng chú ý, so với các năm trước, công ty con FE Credit tiếp tục ghi nhận tăng trưởng chậm hơn và đóng góp thấp hơn vào thu nhập hợp nhất của VPBank.
Do sự gia tăng cạnh tranh, tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở cả ngân hàng mẹ VPBank và công ty con FE Credit đều chậm hơn so với cùng kỳ. Cuối quý 3/2018, dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất tăng 9,5% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ vẫn đạt mức 11,3% so với đầu năm trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng của FE Credit chỉ đạt 4,2%. Các chỉ số này giảm mạnh nếu so sánh với mức tăng trưởng cho vay khách hàng của FE Credit 9 tháng đầu năm 2017 là 28,3%, và mức tăng trưởng của cả năm 2017 là 39,5%. Mức tăng trưởng cho vay khách hàng của ngân hàng mẹ cũng tăng tới 22,5% trong năm 2017.
Thực tế FE Credit không phải là công ty tài chính duy nhất có mức tăng trưởng cho vay khiêm tốn. HD Saison, một công ty tài chính thuộc HDBank cũng chỉ đạt mức tăng trưởng cho vay 5,0% trong 9 tháng đầu năm.
Một ví dụ cho thấy hai công ty tài chính có thị phần lớn trong số các công ty tài chính hiện nay đang thất thế so với một số ngân hàng về mức tăng trưởng cho vay tiêu dùng. Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của Vietcombank, ngân hàng tiếp tục đạt tiến độ ấn tượng trong mảng cho vay bán lẻ với tốc độ tăng trưởng từ đầu năm đến nay đạt 31,1% trong bối cảnh tăng trưởng trung bình tại FE Credit và HD Saison chỉ đạt 4,6%.
Tăng trưởng cho vay tại FE Credit giảm đáng kể. |
Nợ xấu tăng mạnh
Đáng chú ý, nợ xấu tăng mạnh ở cả FE Credit và ngân hàng mẹ VPBank. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của VPBank, nợ xấu hợp nhất đã tăng mạnh từ 3,4% vào cuối năm 2017 lên mức 4,7% vào cuối quý 3/2018.
Đối với FE Credit, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 5,0% cuối năm 2017 lên mức 6,4% vào cuối quý 3/2018. Nợ nhóm 2 và nợ nhóm 3 tăng tương ứng 24% và 60% kể từ đầu năm (Cùng kỳ năm 2017 nợ nhóm 2 và nhóm 3 chỉ tăng lần lượt 19,6% và 2,7%).
Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank là 4,2% tại thời điểm cuối quý 3/2018, trong khi cùng kỳ năm 2017 nợ xấu chỉ tăng 2,6%.
Theo lý giải của VPBank, tỷ lệ nợ xấu cao đến từ 2 nguyên nhân gồm: Việc điều chỉnh phân loại nợ theo phân loại nợ của NHNN, dẫn đến nợ xấu tính đến cuối quý 3/2018 của VPBank tăng hơn 12% kể từ đầu năm. Ngoài ra, việc giải ngân khoản vay mới thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Một lý do khác, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng cao của nợ vay không tài sản đảm bảo cũng góp phần khiến tỷ lệ nợ xấu cao hơn ở ngân hàng mẹ.
Cụ thể là sự tăng trưởng mạnh của dư nợ không có tài sản đảm bảo tại khối CommCredit của VPBank (Khối tín dụng tiểu thương - cung cấp các khoản vay không có đảm bảo cho hộ gia đình và tiểu thương).
Trong 9 tháng đầu năm, dư nợ của CommCredit tăng trưởng hơn 15% so với đầu năm, nhanh hơn mức tăng trưởng dư nợ 9,5% của toàn ngân hàng, và chiếm gần 17% tổng dư nợ.
Do tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng đầu năm, VPBank đã giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trước thuế cho cả ngân hàng mẹ và FE Credit.
Theo kịch bản cơ sở, VPBank dự kiến dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ và FE Credit sẽ tăng trưởng lần lượt là 15% và 10%; lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt 9.234 tỷ đồng, tăng 14%.
Phân khúc cho vay tiêu dùng suy giảm cùng với nợ xấu tăng mạnh đã khiến mức định giá tương đối (P/B) của cổ phiếu VPB giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Ở mức giá hiện tại, VPB đang giao dịch ở mức P/B dự phóng 2018 là 1,7 lần, thấp hơn đáng kể so với đầu năm nay và thấp hơn một chút so với P/B trung bình ngành.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, vốn điều lệ của VPBank tăng 64% nhờ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng và cổ phiếu ESOP. Ngân hàng tạm thời trì hoãn kế hoạch phát hành riêng lẻ do điều kiện bất lợi của thị trường chứng khoán.