Tăng giá bán điện 5%, EVN tăng lãi 7000 tỷ
Chiều 21/12, EVN đã tổ chức họp báo thông báo kế hoạch và lý giải việc điều chỉnh tăng giá điện lên 5% từ 22/12/2012. Lãnh đạo tập đoàn lý giải, việc điều chỉnh giá điện lần này để bù đắp phần chi phí phát điện tăn lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.
Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri tính toán, kể từ 15/9/2012, giá than bán cho ngành điện đã tăng trung bình từ 20 – 40%. Chi phí phát sinh trong quý 4 của EVN do tăng giá than khoảng 900 tỷ đồng. Bên cạnh đó giá khí cũng đồng loạt tăng, ví dụ từ 1/3/2012 đã tăng thêm 40%, và sẽ tiếp tục tăng. Theo lộ trình, từ 1/3/2016 giá khí sẽ tăng trung bình 5% mỗi năm. Việc đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả không phải là nguyên nhân dẫn tới việc tăng giá điện lần này.
EVN tổ chức họp báo chiều 21/12 về việc điều chỉnh giá bán điện |
Cũng liên quan đến mặt hàng than, ông Tri cho biết theo yêu cầu của Chính phủ từ năm 2013 sẽ đưa giá than bán cho điện bằng với giá trên thị trường để tránh tình trạng bù lỗ, để ngành than có thêm chi phí sản xuất. Trên cơ sở đó trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ cho điều chỉnh tiếp, nhưng lộ trình tăng giá than phải phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng giá điện.
Trả lời câu hỏi trong bối cảnh đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, việc lựa chọn tăng giá vào thời điểm này có phù hợp?
Ông Tri khẳng định: "Chẳng lúc nào tăng giá là phù hợp vì người dân sẽ phải chi thêm tiền. Mỗi lần tăng điện vợ tôi cũng thường than phiền với tôi. Nhưng nhìn tổng thể nền kinh tế, EVN chỉ là đơn vị mua điện và bán lại, vì EVN chỉ chiếm 20% sản lượng điện, 80% còn lại mua của các nhà máy. EVN không thể bù đắp được khi mua điện giá cao nhưng lại bán với giá thấp. Nhưng nếu EVN mua điện với giá thấp, DN sẽ không đầu tư lúc đó nguy cơ thiếu điện sẽ không tránh khỏi".
Theo tính toán của EVN, đợt điều chỉnh tăng giá lần này sẽ giúp EVN tăng doanh thu lên khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Số tiền này tiếp tục dành để bù lỗ cho các năm trước. Theo lộ trình từ 2013 – 2015 khó khăn lớn nhất của ngành điện là tính toán thông số đầu vào. Bên cạnh đó khan hiếm nguồn nước cũng là một ẩn số lớn nhất.
EVN đưa dẫn chứng từ đầu năm đến nay ở miền trung không hề có mưa lũ mà chỉ xảy ra hạn hán. Thực tế này sẽ khiến chi phí của EVN tăng vọt lên do phải sử dụng dầu. Vì thế việc EVN có tiết kiệm được chi phí hay không phụ thuộc rất nhiều vào người tiêu dùng, nếu sử dụng điện ít, EVN sẽ sử dụng ít dầu từ đó giá điện sẽ rẻ hơn, và ngược lại. Trong bối cảnh hiện nay, EVN dự đoán nhu cầu sử dụng điện trong năm 2013 sẽ tăng từ 11 – 13% so với năm 2012.
Cũng trong buổi họp báo này, phía Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cho biết mức tăng giá điện lần này sẽ tác động đến CPI khoảng 0,12%.
Trước đó ngày 20/12, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 38/2012/TT-BCT quy định về giá bán điện bình quân từ 22/12/2012 là 1.437 đồng (chưa bao gồm thuế), tăng 68 đồng/kWh, (tương đương 5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.369 đồng/kWh). Riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 933 đồng mỗi kWh.
Đối với các hộ thu nhập thông thường, giá điện sẽ tăng 66 đồng mỗi kWh, từ 1.284 đồng lên 1.350 đồng áp dụng cho 100kWh đầu tiên. Từ số 101 – 150kW sẽ tăng 88 đồng (từ 1.457 đồng lên 1.545 đồng mỗi kWh). Còn tiêu thụ từ 151 – 200kWh sẽ tăng 104 đồng (1.834 đồng lên 1.947 đồng mỗi kWh), từ 200 – 400kWh sẽ tăng khoảng 115 đồng mỗi kWh.
Giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với cấp điện áp từ 110kV trở lên trong các giờ cao điểm, bình thường và thấp có giá từ 754-2.177 đồng mỗi kWh; tương tự đối với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá 783-2.263 đồng mỗi kWh.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang | Giá hiện tại | Giá mới | Mức tăng |
Từ 0 đến 100 kWh | 1.284 | 1.350 | 66 |
Từ 101 đến 150 kWh | 1.457 | 1.545 | 88 |
Từ 151 đến 200 kWh | 1.843 | 1.947 | 104 |
Từ 201 đến 300 kWh | 1.997 | 2.105 | 108 |
Từ 301 đến 400 kWh | 2.137 | 2.249 | 112 |
Từ 401 kWh trở lên | 2.192 | 2.307 | 115 |