“Tam giác Nga - Trung - Mỹ” xuất hiện, Moscow sẽ có cơ hội mới trên trường quốc tế
Thượng nghị sĩ người Nga Aleksey Pushkov. Ảnh: RIA. |
Nhận định trên của ông Pushkov được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ Parlamentskaya Gazeta, cơ quan ngôn luận của Hội đồng Liên bang Nga.
Được biết, trước đó trên Twitter cá nhân, ông Pushkov nhận định, tình hình lây lan của đại dịch Covid-19 đã xác nhận rằng quyền bá chủ của Hoa Kỳ là điều quá khứ.
Mới đây, trong cuộc phỏng vấn với báo giới, thượng nghị sĩ Pushkov nói thêm, Washington không giúp đỡ các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thân cận nhất của mình, điều này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với các nước châu Âu. Do đó, ông Pushkov nhận định, “dù cho họ cố bám víu thế nào đi chăng nữa”, thì sau khi xảy ra đại dịch, Hoa Kỳ cũng sẽ phải từ bỏ vị thế “cường quốc số một” của mình.
Tuy nhiên, ông Pushkov không nêu ra thời điểm cụ thể. Theo ông Pushkov, quá trình như vậy sẽ diễn ra trong nhiều năm, những thay đổi chính có thể sẽ diễn ra ngay trong thập niên tới.
“Trong những năm gần đây đã có một số diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Hoa Kỳ, trong đó có việc các biện pháp trừng phạt họ áp dụng để chống lại Nga trong 6 năm qua đã không đem lại kết quả như người Mỹ mong đợi. Tôi tin rằng những thay đổi quan trọng liên quan đến sự sụp đổ vị thế bá quyền của Mỹ sẽ diễn ra trong thập niên năm tới”, ông Pushkov nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Pushkov, với sự xuất hiện của “tam giác Nga - Trung Quốc - Mỹ”, Moscow sẽ có những cơ hội mới trên trường quốc tế.
“Tất nhiên, điều này sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức mới. Tôi tin rằng trong thập niên tới, ảnh hưởng và vai trò của Nga sẽ tăng lên một cách đáng kể”, ông Pushkov kết luận.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (Covid-19) gây ra tại Trung Quốc đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, trở thành thách thức mới với kinh tế toàn cầu.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bà Kristalina Georgieva cảnh báo rằng trong năm nay, các thành viên của tổ chức 189 thành viên này sẽ bị tụt giảm về mức sống do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước. Sự bùng phát đột ngột của đại dịch Covid-19 làm cho dự báo mới của IMF đối với nền kinh tế toàn cầu được đưa ra trong tuần tới trở nên ảm đạm - và thậm chí có nguy cơ là hậu quả còn tồi tệ hơn dự kiến. Theo bà, trong năm 2020, hơn 170 quốc gia sẽ phải chịu những thay đổi về mức sống.
Chỉ 3 tháng trước, IMF đã dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay. Tuy nhiên, "Covid-19 đã phá vỡ trật tự kinh tế và xã hội của chúng ta với tốc độ nhanh như chớp và ở quy mô mà chúng ta chưa từng thấy trong lịch sử", bà Kristalina Georgieva nói.