Tại sao Mỹ cần các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga?
Nhận định trên được chuyên gia phân tích chính trị người Nga Alexander Asafov chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RT.
Thị trường dầu mỏ đang tác động mạnh đến các nước. Ảnh: RIA. |
Theo tờ Wall Street Journal, chính quyền Washington đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga để “bình ổn thị trường dầu mỏ”. Theo đó, Washington muốn buộc Riyadh quay trở lại sản lượng khai thác dầu trước khi thỏa thuận của nhóm OPEC+ bị phá vỡ. Để đạt được điều này, người Mỹ có ý định sử dụng áp lực ngoại giao. Còn đối với Nga các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng, tuy nhiên, cụ thể các biện pháp này như nào chưa được Mỹ nêu rõ.
Trước đó, hôm 19/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ can thiệp vào “cuộc chiến” giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga vào “thời điểm thích hợp”, đồng thời cho rằng giá xăng dầu thấp là có lợi cho người tiêu dùng Mỹ ngay cả khi giá dầu giảm gây tổn hại đến ngành sản xuất dầu mỏ.
Phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ đang cố gắng giữ thái độ trung lập và sẽ can thiệp vào thời điểm thích hợp. “Hoa Kỳ có kế hoạch can thiệp vào tình hình thị trường vào thời điểm cần thiết”, ông Trump nói.
Theo chuyên gia Asafov nhận định: “Nga đã tích lũy được nguồn lực dự trữ lớn để bình ổn trong Quỹ tài sản quốc gia, điều này sẽ giúp Nga vượt qua thời kỳ khủng hoảng mà không gặp vấn đề gì. Vì vậy, người Mỹ đang cố gắng gia tăng nỗ lực của họ”.
Chuyên gia Asafov nhấn mạnh, trong hoàn cảnh hiện nay, Mỹ sẽ nỗ lực gia tăng áp lực chống lại các đối thủ cạnh tranh chính của mình về vị thế địa chính trị, cụ thể là Nga và Trung Quốc.
Tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là OPEC+, không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm thêm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna, Áo.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, Moscow không đồng ý với đề xuất của OPEC nhằm tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu. Nga đề xuất duy trì các điều kiện hiện có. Bộ trưởng Nga cảnh báo rằng thị trường có thể phản ứng mạnh mẽ trước báo cáo về việc chấm dứt thỏa thuận.
Hiện tại trên thị trường năng lượng, cả nguồn cung và cầu dầu đều chịu tác động nghiêm trọng. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay đã khiến nhu cầu dầu giảm đi, cùng lúc đó các cuộc đàm phán OPEC đổ vỡ có thể khiến cho Saudi Arabia tăng mạnh sản lượng dầu. Trong ngày thứ Hai, giá dầu hợp đồng các loại giảm 24% và như vậy có ngày giảm sâu nhất trong gần 3 thập kỷ.