Tại sao mọi người lại lắng nghe khi Jack Ma nói?
Jack Ma giàu có và nổi tiếng, và hiển nhiên vị tỷ phú này là một bậc thầy trong nghệ thuật thuyết trình. Có nhiều CEO công nghệ cũng giàu và nổi tiếng không kém, như Elon Musk hay Mark Zuckerberg, nhưng không phải ai cũng đem lại những phần trình bày xuất sắc và thường xuyên như Jack Ma.
Phong cách thuyết trình thường thấy của Jack Ma (Nguồn: TechinAsia) |
Sau đây là một số bài học mà chúng ta có thể tiếp thu từ cách Jack Ma thu hút người nghe:
Thứ nhất, nói thật chậm và rõ ràng. Nếu bạn chỉ xem các bài thuyết trình của Jack Ma bằng tiếng Anh, bạn sẽ nghĩ phong cách chậm rãi, rành mạch cùng nhiều khoảng dừng là do thứ tiếng này là ngôn ngữ thứ hai của vị tỷ phú này. Nhưng phong cách đó cũng được lặp lại trong nội dung trình bày tiếng Trung. Mọi thứ liên quan tới cách nói chuyện của Jack Ma được tính toán cẩn thận để giúp người nghe tiếp cận tối đa. Jack Ma nói tương đối chậm, để cho ai đang nghe cũng có thể theo kịp. Các khoảng dừng đặc biệt được đưa vào để khán giả có thời gian suy nghĩ và hiểu được những gì ông ấy nói. Đặc biệt, các thuật ngữ kỹ thuật được nhắc đến khéo léo và vừa đủ bên cạnh ngôn ngữ đơn giản, điều mà các vị lãnh đạo khác không chú ý. Kết quả là tất cả người nghe, kể cả không có kiến thức về kỹ thuật hay hứng thú với khởi nghiệp, đều lắng nghe Jack Ma nói và hiểu được. Bạn sẽ không bao giờ nghe ông ấy nói về công nghệ của Alibaba với lý do ông ấy không hiểu biết nhiều về máy tính. Nhưng có lẽ, bài nói đã được điều chỉnh nhằm hướng tới đối tượng khán giả toàn cầu.
Thứ hai, lặp lại các ý bằng những ngôn từ khác nhau. Đây là một kỹ năng định hướng trong khi nói chuyện. Bằng việc lặp lại một thông điệp bằng nhiều cách, chủ đề chính được nhấn mạnh với khán giả, nâng tầm quan trọng và cho họ nhiều thời gian để tiêu hóa nội dung của nó. Đương nhiên không nên lạm dụng với một nội dung lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Điều này có thể khiến người nghe nhàm chán. Việc chọn lựa thời gian và chủ đề phù hợp sẽ đem lại lợi thế cho diễn giả.
Thứ ba, tận dụng sự hài hước. Qua các video về buổi thuyết trình của Jack Ma, chúng ta đều có cảm nhận chung về vị tỷ phú đầy hài hước này. Câu chuyện về chính cuộc đời của mình thường được Jack Ma đưa thêm phần gây cười, như sự thiếu hiểu biết về công nghệ hay tự nhận thấy mình không thông minh. Ông ấy thường kể lại câu chuyện về mình là người duy nhất trong nhóm bạn bị từ chối công việc tại cửa hàng KFC hay đồn cảnh sát địa phương. Phong cách lấy bản thân làm trò vui vốn là con dao hai lưỡi. Những tiếng cười giúp người nghe đồng cảm với Jack Ma, khiến hình tượng tỷ phú gần gũi hơn. Nhưng nếu làm quá sẽ trở thành lố bịch, khi một doanh nhân không phải là một nghệ sĩ hài.
Jack Ma là bậc thầy ngôn ngữ cử chỉ (Nguồn: AE) |
Thứ tư, sử dụng ngữ điệu của đôi tay và thân thể. Bạn sẽ không bao giờ thấy Jack Ma đứng sau bục phát biểu; khi nói chuyện, ông ấy di chuyển quanh sân khấu, khoa tay múa chân và biểu lộ nét mặt. Kể cả khi phải ngồi trên ghế trong cuộc thảo luận hoặc phỏng vấn, Jack luôn luôn chỉ tay, vẫy chào, gật đâu - đây chính là ngôn ngữ cơ thể để khẳng định điều đang được nhắc đến. Hãy so sánh hai đoạn clip phỏng vấn Jack Ma và Elon Musk để nhìn thấy sự khác biệt. Trong khoảng thời gian tương đương, vị tỷ phú người Trung Quốc đã có hàng loạt hành vi chuyển động cả bàn tay, cánh tay, nét mặt, đầu, trong khi người sở hữu thương hiệu Tesla lại chỉ thay đổi cử chỉ của hai bàn tay. Rõ ràng phần phỏng vấn trong khi ngồi trên ghế của Jack Ma hấp dẫn về mặt hình ảnh hơn rất nhiều, và thu hút người xem.
Thứ năm, sử dụng phép so sánh thuần thục. Sự thật là cả công nghệ và kinh doanh đều phức tạp. Đến cả các diễn giả kỳ cựu trong ngành kỹ thuật cũng khá vất vả để truyền đạt thông tin đến người nghe với những chủ đề như điện toán đám mây hay đầu tư mạo hiểm. Jack Ma thường tránh nhắc đến những thứ rối rắm mà tập trung vào các bài học đơn giản hơn và phép so sánh. Có thể nhắc đến ví dụ Jack so sánh một người được đánh giá vượt tiêu chuẩn với một động cơ Boeing vào một chiếc máy cày. Hình ảnh này gây ấn tượng và ghi nhớ lâu cho người đọc, đồng thời giúp họ hiểu được lý do tại sao sử dụng một người như vậy lại là một việc không tốt cho kinh doanh.
Cuối cùng, khẳng định quan điểm một cách mạnh mẽ. Jack Ma luôn đưa ra vị thế đúng hay sai, có hay không, với ngôn từ thẳng thừng. Nhiều lần Jack dùng những từ ngữ bộc trực, thậm chí lỗ mãng; nhưng chắc chắn sẽ đọng lại trong đầu người nghe. Thế giới này không hoàn toàn trắng hay đen, và việc theo đuổi kiên trì với một lý tưởng chính trị hay xã hội đã từng gây ra rất nhiều tranh luận và đối đầu. Việc Jack Ma chọn lựa kỹ nghệ trình bày khoa trương này chắc chắn sẽ đem lại lợi thế thu hút hơn việc tranh cãi từ hai phía của vấn đề, hay đưa là nhiều lựa chọn thay thế, hoặc phản biện lại những gì chính mình đã nói.
Mặc dù không phải là kỹ năng quan trọng nhất để gối đầu giường cho bất kỳ doanh nhân nào, khả năng thuyết trình luôn có ý nghĩa lớn lao trong việc thu hút người nghe hoặc thuyết phục những nhà đầu tư khó tính. Kể cả không có đám đông lắng nghe như Jack Ma, bạn vẫn cần một vài gợi ý từ những bài học trên.