Tại sao các ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn dài?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet. |
Điển hình như BIDV với đợt mở bán 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Vietcombank cũng đã có 7 lần phát hành trái phiếu, tổng cộng khối lượng phát hành thành công là 288,3 tỷ đồng.
Một nhà băng lớn nằm trong nhóm “big 4” là Vietinbank cũng vừa phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm với tổng giá trị là 450 tỷ đồng.
Trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần, MBBank phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm với tổng trị giá 1.400 tỷ đồng. HDBank dự kiến sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu đợt 3 năm 2018.
Hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng với khối lượng lớn liên tục trong những tháng cuối năm được đánh giá là do 2 nguyên nhân chính: Sự thiếu hụt về vốn và mục tiêu đáp ứng chuẩn hệ số CAR. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận xét.
Thanh khoản tại đa số các ngân hàng đang trở nên căng thẳng khi tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi thấp hơn tăng trưởng tín dụng.
Mức tăng trưởng huy động của BIDV, VietinBank, và Vietcombank trong 9 tháng đầu năm lần lượt là 10,9%, 9,7% và 9,2%, trong khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này lần lượt là 11,5%, 11,9% và 15,1%.
Còn đối với hệ số CAR, theo Thông tư 41 của NHNN, công thức tính hệ số CAR cũng có sự thay đổi. Thay vì dùng công thức vốn tự có chia tổng tài sản “Có” rủi ro theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, nay phần mẫu số tính cả Tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường...
Với cách tính mới này, hệ số CAR tại các ngân hàng có thể sụt giảm đáng kể. Tuy vậy, việc phát hành trái phiếu sẽ khiến các ngân hàng chịu rủi ro lãi suất tăng do đa phần các trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài.
BVSC cho rằng điều này có thể khiến lợi nhuận của các ngân hàng phát hành trái phiếu chịu áp lực nhất định trong các năm tới.