Tài sản của 4 tỷ phú đôla Việt Nam hiện giờ ra sao?
Chẳng hạn, theo cách tính của Forbes, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn là tỷ phú USD, nhưng xét về giá trị cổ phiếu hiện tại đối với hai mã HDB và VJC, bà Thảo đã giảm khá mạnh tài sản nắm giữ thông qua sở hữu 2 cổ phiếu này.
Theo Forbes, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng vừa trải qua giai đoạn tài sản “bốc hơi” hàng trăm triệu USD so với thời kỳ bà được Forbes công nhận là tỷ phú xếp hạng thứ 766 với tổng tài sản 3,1 tỷ USD hồi tháng 3.
Theo đó, bà Thảo vẫn là tỷ phú USD khi xếp ở vị trí thứ 879 với tổng tài sản 2,6 tỷ USD, giảm 600 triệu USD so với mức 3,1 tỷ USD hồi tháng 3/2018.
Giá cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã giảm từ mức đỉnh 171.000 đồng xuống còn 132.900 đồng/cp tính đến ngày 04/12. Cổ phiếu HDB của HDBank do bà Thảo sở hữu cũng giảm từ mức đỉnh 47.000 đồng/cp xuống còn 31.700 đồng/cp.
Với mức giá của VJC và HDB hiện tại, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo thông qua nắm giữ 2 cổ phiếu này còn 19.689 tỷ đồng, tương đương 846 triệu USD.
Có một điểm đáng chú ý đối với cổ phiếu VJC, đó là mặc dù Vietjet Air gặp sự cố khi hạ cánh tại sân bay TP Buôn Ma Thuột vào đêm 29/11, nhưng VJC chỉ giảm giá nhẹ trong phiên giao dịch ngay sau đó (30/11) và đã liên tiếp tăng giá trong 3 phiên gần đây.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo. |
Theo Forbes, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát không còn trong danh sách tỷ phú USD do Forbes công bố đầu tháng 12 xuất phát từ việc giá cổ phiếu HPG giảm từ mức đỉnh 63.000 đồng/cp được xác lập hồi tháng 3 xuống còn 34.000 đồng/cp vào đầu tháng 12/2018.
Tính đến phiên giao dịch ngày 04/12, HPG đóng cửa ở mức giá 34.600 đồng/cp. Với mức giá này, giá trị cổ phiếu do ông Trần Đình Long nắm giữ tại HPG còn 18.482 tỷ đồng, tương đương 794 triệu USD. Đó là lý do ông Trần Đình Long không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Như vậy, kể từ mức đỉnh 1,3 tỷ USD vào tháng 3/2018 đến nay, tài sản của ông Trần Đình Long đã giảm hơn 500 triệu USD.
Điều bất thường là diễn biến giá cổ phiếu HPG đi ngược lại với kết quả kinh doanh của Hòa Phát Group. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Hòa Phát đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 10/2018, Hòa Phát lập “cú đúp” kỷ lục khi lần đầu tiên bán ra thị trường 250.000 tấn thép xây dựng, trong đó sản lượng xuất khẩu đạt con số cao nhất từ trước đến nay với 40.000 tấn.
Hòa Phát hiện dẫn đầu thị phần thép xây dựng và thép ống, lần lượt 24% và 27%. Tập đoàn này cũng chuẩn bị đưa vào vận hành tổ hợp nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất, cung cấp thép cán nóng cho các doanh nghiệp tôn mạ trong nước, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. |
Cũng trong tháng 3/2018, Forbes lần đầu tiên công bố ông Trần Bá Dương (Chủ tịch THACO) trong danh sách tỷ phú thế giới với tài sản 1,8 tỷ USD, xếp hạng 1.339 thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, ông Trần Bá Dương vẫn vững vàng trong danh sách tỷ phú USD và giữ nguyên vị trí thứ 1.339 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Dẫn đầu trong danh sách tỷ phú USD tại Việt Nam vẫn là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) với tổng tài sản 190.000 tỷ đồng, tương đương 8,172 tỷ USD nếu tính theo giá trị cổ phiếu VIC ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù vậy, theo cách tính của Forbes, tài sản của ông Vượng hiện vào khoảng 6,7 tỷ USD, tăng từ 4,3 ty USD hồi tháng 3/2018. Con số này đủ để đưa Chủ tịch Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam tăng từ vị trí 499 lên 220 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Ngoài việc cổ phiếu VIC của Vingroup liên tục tăng giá trong thời gian qua và đã đạt mức 101.000 đồng/cp ngày 4/12, tháng 5 vừa qua Vingroup chính thức đưa 2,68 tỷ cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes lên sàn chứng khoán - trở thành doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn thứ 2 thị trường Việt Nam, chỉ đứng sau công ty mẹ là Vingroup.
Trong cơ cấu cổ đông của Vinhomes, Vingroup nắm giữ hơn 1,866 tỷ cổ phiếu VHM tương đương tỷ lệ 69,66%. Ông Phạm Nhật Vương, Chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch CTCP Vinhomes đang đại diện cho VIC nắm giữ 933 triệu cổ phiếu VHM (37,83%).
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. |
Trong 10 tháng đầu năm, VHM bán được tổng cộng 8.000 căn hộ với tổng giá trị hợp đồng là 33,1 nghìn tỷ đồng, theo đó tổng giá trị hợp đồng chưa hạch toán đến cuối tháng 10/2018 lên tới 56,8 nghìn tỷ đồng.
Vinhomes đã mở bán 10.159 căn trong tổng cộng 4 dự án mới gồm: 7.549 căn hộ chung cư tại VinCity Ocean Park (Hà Nội); 754 biệt thự trong Vinhomes Star City (Thanh Hóa);1.400 căn hộ chung cư tại Vinhomes West Point (Hà Nội); 456 căn hộ chung cư tại Vinhomes New Center (Hà Tĩnh).
Tính đến nay, 53% căn hộ tại Vinhomes West Point và 70% tại Vincity Ocean Park đã được bán chỉ trong một thời gian ngắn sau khi mở bán.
Bên cạnh 3 dự án Vincity và 1 dự án Vinhomes dự kiến mở bán trong quý 4 năm nay, VHM dự kiến sẽ mở bán thêm 11 dự án mới trong năm 2019, gồm một số dự án chủ chốt như Vinhomes Gallery, Vinhomes Galaxy, VinCity Đan Phượng tại Hà Nội và Vinhomes Kỳ Hòa, Vinhomes Landmark Serviced Apartment tại TP.HCM.