Tái cơ cấu: Loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống tài chính
Tái cơ cấu: Loại bỏ nguy cơ mất an toàn hệ thống tài chính
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, mục tiêu tái cơ cấu kinh tế góp phần để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, mô hình tái cơ cấu kinh tế sẽ được triển khai theo hướng ưu tiên trước mắt và tái cơ cấu trọng tâm, lâu dài.
Về ưu tiên trước mắt, trong 5 năm tới, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh sẽ ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Tái cơ cấu để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng |
Trong lĩnh vực tài chính, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ đi sâu vào tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính, nhằm loại bỏ nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế. Đồng thời để hệ thống tài chính phát triển bền vững.
Đối với chủ trương tái cơ cấu đầu tư, theo Bộ trưởng Vinh sẽ tập trung vào đổi mới cơ chế và cách thức huy động, phân bố, quản lý và sử dụng vốn đầu tư.
Trên cơ sở đó sẽ huy động hợp lý tổng đầu tư xã hội, đồng thời bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bao gồm: cân đối giữa tiết kiệm và tiêu dùng, cân đối tiết kiệm nội địa và đầu tư, cân đối ngân sách, cân đối cán cân thanh toán, nợ công và nợ nước ngoài.
Bên cạnh đó tái cơ cấu đầu tư còn góp phần duy trì tỷ trọng hợp lý đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội đi đôi với tăng cường huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác và cải thiện hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra tái cơ cấu kinh tế còn nhằm mục tiêu xác định cụ thể lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư, trong đó ưu tiên các công trình quan trọng, công trình xã hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn…
Đối với mô hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ, phải xác định rõ vai trò, chức năng của từng doanh nghiệp, từ đó sắp xếp, phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn nhằm đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trên cơ sở đó buộc các DNNN phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng nhận định, quá trình thực hiện tái cơ cấu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vì thế nhiều khả năng nền kinh tế nước ta sẽ phải hi sinh tốc độ tăng trưởng để đổi lấy chất lượng tăng trưởng. Vì thế trước mắt, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không cao như kế hoạch, và có thể thấp hơn so với trước đây.
Bên cạnh yếu tố tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế còn có thể tác động tiêu cực đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp.
“Tái cơ cấu kinh tế có thể sẽ làm cho quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng thu hẹp lại; thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển. Hệ quả là, trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được. Nhiều doanh nghiệp yếu kém có nguy cơ đóng cửa, giải thể hoặc phá sản, dẫn đến lao động mất việc làm…” – Bộ trưởng Vinh chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Vinh để vượt qua được những khó khăn, thách thức này, điều quan trọng là phải có quyết tâm, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Cùng đó, Ủy ban kinh tế cũng đưa ra nhiều ý kiến đối với trọng tâm tái cơ cấu DNNN. Hầu hết các thành viên ủy ban này đề nghị không sử dụng DNNN là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn nền kinh tế, mà DNNN có nhiệm vụ quan trọng là đi trước, mở đường ở những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực, những ngành đòi hỏi về vốn và công nghệ, tạo nền tảng cơ bản cho những ngành sản xuất công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, cần kiên quyết tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. Cần hạn chế tối đa trách nhiệm chính trị - xã hội đối với các DNNN, nhiệm vụ này do chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội thực hiện.
Nguyễn Dũng