Tái cơ cấu DNNN “vướng” thủ tục
Doanh nghiệp Nhà nước chậm cổ phần hóa do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể - Ảnh IT |
Tại Hội thảo khoa học “Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước” vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia nhận định, việc cổ phần hóa, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM cũng như trong cả nước còn quá chậm. Nhiều thủ tục mang tính hình thức, chậm chạp càng kéo lùi tốc độ thực hiện.
Ì ạch cổ phần hóa
Hiện cả nước có 11 tập đoàn kinh tế Nhà nước, 90 tổng công ty thuộc nhóm doanh nghiệp Nhà nước và 2 ngân hàng thương mại 100% sở hữu vốn Nhà nước. Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty chiếm đến 87% tổng vốn đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều tồn tại, cần phải điều chỉnh, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2006-2010 các doanh nghiệp Nhà nước chỉ tạo ra khoảng 28% GDP, trong khi chiếm đến 45% tổng đầu tư toàn xã hội. Ngoài ra, vấn đề nợ và nợ xấu đang được báo động sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Nguyên nhân tình trạng yếu kém của các doanh nghiệp Nhà nước là do quản lý kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, trong khi thiếu vốn và nguồn nhân lực điều hành vẫn còn tư tưởng “cha chung không ai khóc”.
Theo PGS.TS Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng, ngành nào tư nhân làm có hiệu quả thì Nhà nước không nên đầu tư, chừa “đất” cho tư nhân hoạt động. Còn những ngành chủ chốt như: hàng không, viễn thông, dầu khí… thì Nhà nước bắt buộc phải đầu tư và tập trung nguồn lực đầu tư tốt cho những ngành trọng yếu này.
Trong thời gian qua, việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước bằng các hình thức thoái vốn, cổ phần hóa, sắp xếp lại bộ máy điều hành doanh nghiệp, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động… đã được tiến hành. Trong đó, hai phương pháp chủ đạo là thoái vốn và cổ phần hóa lại triển khai khá chậm chạp làm trì hoãn sự phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.
So với mặt bằng chung của cả nước thì các doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM thực hiện đổi mới nhanh, quyết liệt và hoạt động có hiệu quả hơn. Cụ thể, sau 10 năm thực hiện sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước, từ năm 2001- 2011, đã đổi mới được 385 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó thực hiện cổ phần hóa là 195 doanh nghiệp. Hiện tại vẫn còn 55 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước do UBND TP.HCM quản lý và 36 doanh nghiệp có 100% vốn do các tổng công ty sở hữu.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Lâm, Phó Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, trong kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2015, các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn thành phố vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa.
Chậm vì “vướng” thủ tục
Nhà nước cần tập trung đầu tư vào các ngành chủ chốt như: điện, viễn thông, dầu khí - Ảnh IT |
Cũng theo ông Lâm, nội dung lớn nhất trong việc cổ phần hóa vẫn có nhiều vướng mắc, cần được hướng dẫn, quy định cụ thể thêm, đó là tái cơ cấu về vốn. “Theo quy định hiện nay, những ngành không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của một doanh nghiệp Nhà nước thì phải thoái vốn để tập trung vốn đầu tư cho ngành chính. Nhưng điều này rất khó thực hiện. Bởi nguyên tắc thoái vốn là phải theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, thực hiện thoái vốn là phải xin ý kiến của UBND TP.HCM rồi sau đó xin phép Bộ Tài chính. Quy trình này hoàn tất cũng phải mất từ 3 – 4 tháng. Khi đó, giá thị trường đã thay đổi so với giá xin điều chỉnh”, ông Lâm giải thích.
Khi bắt tay vào thực hiện cổ phần hóa, phần lớn các doanh nghiệp thường thụ động và chờ hướng dẫn chi tiết từ phía Nhà nước. Với các doanh nghiệp đã tiến hành cổ phần hóa, các chuyên gia nhận định, bản thân các doanh nghiệp chưa có quyền chủ động. Bên cạnh đó, ban kiểm soát hoạt động doanh nghiệp chưa khẳng định được vai trò, năng lực còn yếu kém. Khi chuyển từ công ty 100% vốn Nhà nước thành công ty một thành viên, ban kiểm soát hưởng lương trực tiếp từ doanh nghiệp nên mặt giám sát công tâm vì sự đổi mới và phát triển chung của doanh nghiệp chưa được đảm bảo.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản – Vissan cho biết, Vissan đã tiến hành đổi mới lại bộ máy quản lý, nguồn lực và tư duy nhìn nhận thị trường. Trước đây, Vissan có khoảng 1.000 đại lý trong cả nước, các đại lý này chủ yếu nhận hàng, hưởng chiết khấu và bán hàng rất thụ động.
“Vissan đã mạnh dạn chuyển 1.000 đại lý này thành 100 đại lý. Mỗi đại lý tập trung nhiều nhân viên trực tiếp bán hàng. Khi hàng hóa bị ách tắc trên thị trường, nhân viên mang hàng đến tận tay người tiêu dùng và phương pháp này đã mang lại hiệu quả, giúp bán được hàng hóa”, ông Mười nói thêm. Hiệu quả đạt được là trong 9 tháng đầu năm, mức suy giảm của Vissan không nhiều, vẫn đạt doanh thu trên 3.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Mười, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trong đó có hoạt động thoái vốn, cổ phần hóa, cải tiến bộ máy quản lý doanh nghiệp, là một quá trình song song với hoạt động của doanh nghiệp. Vissan bắt đầu tái cơ cấu từ 2 năm trước, hiện tại vẫn đang đi vào giai đoạn hoàn thiện và sẽ tiếp tục đổi mới mãi mãi.