Tài chính xanh tạo tăng trưởng và phát triển bền vững cho quốc gia
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong năm quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất do phần lớn dân số sống ở các vùng trũng ven biển.
Nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho rằng, biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam tổn thất 15 tỷ USD/năm, tương đương 5% GDP. Ước tính, biến đổi khí hậu sẽ làm thu nhập quốc dân giảm 3,5% vào năm 2050; 37% dân số sống ở các vùng trũng, vốn chỉ chiếm 15% diện tích đất của cả nước.
Với mức độ ảnh hưởng này, các dự án tài trợ vốn cho tăng trưởng xanh đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy, tài trợ khí hậu ở Việt Nam mới chỉ ở mức khoảng 5%, tương đương với 10,3 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong những năm tới.
IFC cho rằng, việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ đồng thời mang lại cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 753 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2030. Trong bối cảnh đó, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững.
Trong đó, phát triển thị trường vốn xanh đem lại nhiều lợi ích bền vững cho chính các định chế tài chính, cho các doanh nghiệp được vay vốn và cho cả cộng đồng.
Trên thực tế, tiềm năng cho doanh nghiệp đầu tư để giảm phát thải khí nhà kính hiện nay là rất lớn. Theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là COP21 - Paris, lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam giảm 10 - 20%/năm. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có hơn 30 tỷ USD. Tuy nhiên, phần đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm 1/3 số đó, còn 2/3 dự kiến là tư nhân đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, xi măng, trong tiêu dùng hộ gia đình, ngành giấy, phát điện, thép, năng lượng, nông nghiệp…
“Đó là tiềm năng rất lớn mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được. Hiện nay, những loại hình doanh nghiệp có thể tham gia triển khai thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam, đó là: năng lượng tái tạo; chuyến đổi và quản lý sử dụng đất; quản lý chất thải bền vững; nông nghiệp xanh…”, ông Trần Đăng Khâm (Viện Tài chính ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ.
Tài chính xanh cho các dự án xanh, công nghệ xanh và sản phẩm xanh sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng. Mục tiêu mà tài chính xanh hướng đến chính là việc giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nhiên liệu xanh sạch, thân thiện với môi trường, tránh làm khánh kiệt tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nên sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho quốc gia.
Tuy nhiên, ông Trần Đăng Khâm cho rằng thị trường vốn xanh ở Việt Nam đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc triển khai áp dụng các chiến lược, chính sách tài chính xanh cũng còn gặp nhiều rào cản bao gồm rào cản từ thể chế đến thị trường.
“Vốn xanh là khái niệm còn tương đối mới. Các ngân hàng thương mại truyền thống chưa sẵn sàng cung ứng sản phẩm và dịch vụ tài chính xanh - những sản phẩm, dịch vụ khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải khí các bon”, ông Khâm nói.
Trên thực tế, các ngân hàng thường gặp khó khăn khi đánh giá các dự án tài chính xanh, đặc biệt liên quan đến các rủi ro do hạn chế về nhân sự có chuyên môn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thường có thói quen cho vay dựa vào tài sản thế chấp hơn là dựa vào dòng tiền.
Mặc dù vậy, nhiều chương trình dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được triển khai trong các khu vực công và tư, sản xuất và tiêu dùng. Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững với 151 tiêu chí, trao tặng giải thưởng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, sự phân loại các ưu tiên và nhiệm vụ của các bộ, ngành có thể làm giảm ảnh hưởng đối với chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất cần thiết để phát triển thị trường vốn xanh.
Ông Khâm lấy ví dụ, chính sách trợ giá điện, duy trì tỷ lệ lạm phát hằng năm trung bình dưới 5% sẽ làm giảm cơ hội cạnh tranh của các dự án năng lượng tái tạo. Ngoài ra, trái phiếu xanh đòi hỏi các kỹ năng, kỹ thuật để theo dõi và đánh giá việc sử dụng tiền thu được trong suốt vòng đời dự án, đảm bảo rằng các dự án được thực hiện theo nguyên tắc trái phiếu xanh.
Về nguồn lực, nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ về những lợi ích từ các dự án xanh, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia nhưng lại thiếu vốn, công nghệ và nguồn lực.
Ngoài ra, nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh, cách tiếp cận chủ yếu từ trên xuống nên đã hạn chế sự tích cực của doanh nghiệp tư nhân, các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…
Tuân Nguyễn