Sửa Luật Đất đai, Chính phủ yêu cầu phải khắc phục được bất cập
Chính phủ vừa ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.
Chính phủ yêu cầu sửa Luật Đất đai phải khắc phục được bất cập, vướng mắc.... |
Theo kế hoạch, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai phải khắc phục được các vướng mắc, bất cập, đảm bảo sự thống nhất giữa các luật có liên quan, trường hợp các luật khác có quy định về đất đai thì phải thống nhất với Luật Đất đai. Việc sửa luật cũng nhằm đổi mới chính sách về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, phương pháp xác định giá đất cụ thể theo hướng hiệu quả, bền vững.
Xây dựng khung giá đất phù hợp với giá thị trường. Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất đảm bảo khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường. Giá đất được tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế, trong đó có lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng. Khắc phục bất cập về cơ chế và phương pháp xác định giá đất cụ thể, bảo đảm phù hợp với giá thị trường, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đô thị theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội.
Bộ Xây dựng cũng được giao rà soát, sửa đổi và ban hành các quy chuẩn về xây dựng, quy hoạch đô thị, phê duyệt các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các đô thị, bảo đảm phù hợp với pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, làm cơ sở quản lý quy hoạch đô thị và triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
Các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành; tổ chức rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư có liên quan để đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai và giải quyết các vướng mắc, bất cập hiện nay.
Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát giúp Chính phủ tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15.
Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, đô thị đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất theo quy định của Luật Quy hoạch phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị để kịp thời xử lý và chấn chỉnh.
Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai lập đồng bộ các loại quy hoạch đô thị, khẩn trương lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định; tiến hành rà soát, đánh giá và đề ra các giải pháp khắc phục đối với các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh không đúng quy định; lập kế hoạch đầu tư và đầu tư đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và công trình khác theo quy hoạch được duyệt.
Về xác định địa giới hành chính, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Chính phủ giao Bộ Nội vụ có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề chưa thống nhất liên quan đến địa giới hành chính giữa các địa phương.
UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp giải quyết những vấn đề chưa thống nhất liên quan đến địa giới hành chính. Trường hợp không thỏa thuận được phương án giải quyết thì lập hồ sơ đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.