Sửa Hiến pháp: Nghiêm túc tiếp thu đóng góp của nhân dân
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Trưởng Ban chỉ đạo về việc lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong toàn ngành TT&TT cho biết, Hiến pháp là một văn kiện pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ tiến bộ của nhà nước.
Thứ trưởng Trần Đức Lai - Trưởng ban chỉ đạo về việc lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong toàn ngành TT&TT phát biểu về việc lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh LD |
Đợt sửa đổi Hiến pháp 1992 được thực hiện với 9 nội dung cơ bản như: phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tiếp tục khẳng định và làm rõ bản chất, vị trí vai trò của Đảng; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN…
Việc thông tin tuyên truyền sẽ tập trung vào 5 nội dung quan trọng, bao gồm: vận động mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến cho dự thảo; đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này phải thực chất, tuyên truyền cho nhân dân tin tưởng những ý kiến đóng góp sẽ nghiêm túc được tiếp thu; tổ chức lấy ý kiến phải bám sát đường lối quan điểm chỉ đạo của Đảng và nhà nước. Tránh thông tin phiến diện, thiên lệch, không chuẩn xác, thiếu trung thực; Các cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về việc lấy ý kiến đóng góp; báo chí phải định hướng trong dư luận, phản ánh khách quan, toàn diện kịp thời ý kiến của nhân dân.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng nhấn mạnh, báo chí phải chủ động chống các luận điệu sai trái thù địch, lợi dụng thời điểm này đưa lý thuyết tuyên truyền phản động chống lại lợi ích của đất nước, nhân dân.
Đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong ngành TT&TT cần đưa nội dung kế hoạch vào sinh hoạt của chi bộ, đảng bộ, cơ quan và tổ chức mình.