Sửa hiến pháp: “Hội tụ lòng dân”
Theo BB Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ TT&TT, chủ trương lấy ý kiến nhân dân về góp ý dự thảo sửa đổi hiến pháp trong thời gian qua đã có rất nhiều hoạt động trên phạm vi cả nước. Đây là hoạt động lớn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm rất nhiều.
ĐBQH Nguyễn Bắc Son tham gia góp ý sửa hiến pháp ngày 27/5 tại đoàn ĐBQH Hà Nội. Ảnh LD |
Không chỉ trong nước mà cả kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè thế giới cũng rất quan tâm. Trong đó cũng có một số thế lực thù địch nhân cơ hội, định dùng việc sửa hiến pháp để cài cắm, hướng cho dân thay đổi những nội dung này. Nhưng chúng ta vẫn giữ vững định hướng tốt.
Ngoài ra việc lấy ý kiến thành công cũng có đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, rất tích cực tuyên truyền, xây dựng thành những chuyên trang chuyên mục, tiếp thu ý kiến từ mọi tầng lớp nhân dân.
“Trong lúc đất nước chúng ta có việc lớn thì lòng dân luôn hướng về Tổ quốc, luôn tuân thủ theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Khi có việc lớn đã hội tụ được lòng dân rất nhiều. Bộ luật này khi ban hành sẽ thực sự là trí tuệ của nhân dân, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước của chúng ta thực sự là một đất nước XHCN”.
Đề cập đến chương 6 về quyền hạn của Chủ tịch nước đối với quân đội, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, đây là khoản mới so với hiến pháp hiện hành. Trước đây quy định Chủ tịch nước được phong hàm cao cấp trong quân đội nhân dân Việt Nam, các lực lượng vũ trang. Còn bây giờ quy định rõ là phong, thăng, giáng cấp, tước quân hàm cấp tướng trong sĩ quan, các lực lượng vũ trang.
Theo ĐB, quyền hạn của Chủ tịch nước được quy định trong hai điều luật: Hiến pháp và Luật sĩ quan quân đội nhân dân. Tại hiến pháp sửa đổi lần này cũng đưa một số luật sĩ quan vào.
“Tôi hiểu rằng hiến pháp sửa đổi muốn nâng cao vai trò cố định về lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước nên đưa một số nội dung trong luật sĩ quan vào. Nếu đưa như vậy sẽ khẳng định được vai trò của Chủ tịch nước là phong, thăng, giáng chức đối với quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang”.
Tuy nhiên ĐB Nguyễn Bắc Son lại cho rằng, nếu chỉ quy định như thế sẽ có mâu thuẫn. Vì hiện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng thuộc Chính phủ. Nên Chính phủ nói chung, Thủ tướng Chính phủ nói riêng cũng có vai trò nhất định với quân đội, công an về cả bổ nhiệm cũng như phong thăng giáng chức.
ĐB dẫn dụ trong hiến pháp có ghi rõ quyền hạn của Thủ tướng là đề nghị Quốc hội bổ nhiệm cấp Bộ trưởng và Phó thủ tướng. Đồng thời Thủ tướng trực tiếp bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phong thăng quân hàm các cấp như trung tướng, thiếu tướng, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân.
“Nếu khẳng định như thế thì vô hình chung chỉ có Chủ tịch nước được phong quân hàm cấp tướng. Còn lại Thủ tướng không có vai trò trong việc phong quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Như vậy là mâu thuẫn”.
ĐB Nguyễn Bắc Son đề nghị hiến pháp sửa đổi phải quy định cho rõ ràng hơn. Đối với Chủ tịch nước nên ghi rõ quyết định là phong, thăng, giáng, tước quân hàm thượng tướng, đại tướng. Bổ nhiệm chức vụ tổng tham mưu trưởng, tổng cục trưởng tổng cục chính trị nhân dân Việt Nam.
Còn đối với chuẩn đô đốc và phó đô đốc nên để Thủ tướng sẽ phù hợp hơn theo Luật sĩ quan. Vì nếu quy định chỉ có Chủ tịch nước thì sẽ phải bổ nhiệm thêm nhiều chức vụ tương đương khác.