Sự thực về bức ảnh Phi đội Quyết thắng "hoàn thành nhiệm vụ trở về"
Những ngày cuối tháng 4-1975, khí thế chiến đấu và chiến thắng sôi sục khắp chiến trường miền Nam. Phóng viên Báo Phòng không - Không quân ai cũng rạo rực muốn đi tác nghiệp. Lực lượng phóng viên được phân làm hai, một số đi trong đội hình theo sát các đơn vị, số khác luôn ở tâm thế "trực chiến", lúc nào có lệnh là tay máy, tay bút lên đường ngay.
Nghệ sĩ Xuân Át. Ảnh: Hồng Linh |
Ngày ấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Át mới ngoài ba mươi tuổi, còn hăng sức lắm. Giải phóng Huế, Đà Nẵng, ông đã được đi theo đoàn công tác của Tư lệnh Lê Văn Tri để ghi lại những bức hình của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân trong những thời khắc lịch sử ý nghĩa. Đến 27-4, khoảng 10 giờ, ông nhận được điện thoại của Tư lệnh Lê Văn Tri: "Cậu chuẩn bị đi với tớ".
Từ sân bay Gia Lâm, trên chiếc AH-24, nhà báo Xuân Át được vinh dự là một thành viên có mặt trong đoàn Nam tiến. 12 giờ trưa, máy bay hạ cánh tại Đà Nẵng rồi vào tiếp Phù Cát. Ở các sân bay này, ông đã gặp và chụp được khá nhiều bức ảnh về các đồng chí Trần Hanh, Hồ Thanh Minh và các thành phần khác khi họ thực hiện trọng trách tiếp quản, phục hồi máy bay chuẩn bị cho nhiệm vụ sắp tới.
Tối 27-4, đoàn công tác của Tư lệnh tiếp tục bay vào Phan Rang. Ở đây, ông Xuân Át được chứng kiến một không khí làm việc lặng lẽ, bí mật nhưng vô cùng khẩn trương. Các tổ bay đã được tập kết, sẵn sàng chờ lệnh. Sáng 28-4, khi Tư lệnh Lê Văn Tri trực tiếp gặp mặt, giao nhiệm vụ cho tổ bay và các thành phần bảo đảm, còn có hai nhà báo nữa của Báo Phòng không - Không quân là Quốc Khánh và Đắc Tư.
Bức ảnh lịch sử Phi đội Quyết thắng trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh tư liệu |
Khoảng 4 giờ chiều ngày 28-4, các thành phần lại tập trung trên sân bay để nghe Tư lệnh giao nhiệm vụ một lần nữa. Sân bay dã chiến Phan Rang chiều hôm đó trời không nắng đẹp như mọi hôm. Trước khi tổ bay cất cánh, ông đã đề nghị được chụp ảnh tổ bay. Thường ngày ông rất gần gũi với phi công, lại có một chút "thương hiệu" trong nghề cầm máy nên nghe ông đề nghị chụp ảnh, các phi công đồng ý ngay, ai cũng tươi cười rạng rỡ, làm cho bức ảnh thêm phần sinh động và ý nghĩa.
Phi đội Quyết thắng. Ảnh: Xuân Át |
Cầm bức ảnh "Phi đội Quyết Thắng" vừa tìm trong gian phòng lưu ảnh, ông Xuân Át giới thiệu với tôi vị trí của từng người: Theo thứ tự từ trái sang là các phi công Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On. Ai cũng cười rất tự nhiên, tay cầm mũ, sánh vai nhau trên đường băng. Chính những con người này chỉ sau đó ít phút, trên những chiếc máy bay A37 của địch đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử to lớn, ném bom phi trường Tân Sơn Nhất, làm hoảng loạn tinh thần địch, góp phần kết thúc chế độ ngụy quyền ở Sài Sòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Nhiều người cứ nghĩ bức ảnh "Phi đội Quyết thắng" ông chụp khi tổ bay hoàn thành nhiệm vụ hạ cánh trở về. Kỳ thực không phải như vậy. Lúc 5 máy bay cất cánh, cả sân bay nín thở chờ đợi. Khoảng cách trở về của chiếc đầu tiên và chiếc cuối cùng khá xa nhau. Khi máy bay cuối cùng hạ cánh lúc 18 giờ 15 phút thì trời đã xẩm tối. Thời điểm đó thật khó tác nghiệp để có một bức ảnh đẹp.
Sau trận đánh của Phi đội Quyết thắng, địch hai lần ném bom sân bay Phan Rang vào ngay đêm hôm đó và sáng sớm hôm sau. Rất may tất cả đều an toàn, chỉ có một đồng chí thông tin bị thương.
Trong cuộc đời cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Át đã có một số bức ảnh để đời. Ông luôn tâm niệm, để những tấm ảnh có giá trị, sự kiện lịch sử có một vai trò quan trọng, song cần tinh thần hăng say và tay nghề của một nhà báo.
Theo HỒNG LINH/QĐND Online
Tựa bài do Infonet đặt lại