Sự phát triển của Liên minh Nghị viện thế giới:
Giai đoạn 1889-1945: Tìm giải pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình
Sự ra đời của Liên minh Nghị viện thế giới - IPU: Ngày 29 tháng 6 năm 1889, Hội nghị với tên gọi “Hội nghị Trọng tài của các Nghị viện“ đã được tổ chức với sự tham gia của 95 nghị sĩ bao gồm 56 đại biểu Pháp, 28 đại biểu Anh, 5 đại biểu Ý và Bỉ, Đan mạch, Hungary, Liberia, Tây ban Nha, Hoa Kỳ mỗi nước một đại biểu. Tới năm 1892, Hội nghị được đổi tên thành “Hội nghị liên Nghị viện về vấn đề Trọng tài quốc tế” đã phản ánh tính thử nghiệm của nó. Trải qua sự thử nghiệm của thời gian, 10 năm sau Hội nghị được đổi tên thành “Liên minh Nghị viện thế giới về Trọng tài quốc tế”. Mãi đến năm 1908, tên ngắn gọn “Liên minh Nghị viện thế giới” mới chính thức được ghi vào qui chế.
Với những hoạt động không mệt mỏi và cống hiến xuất sắc trong phong trào hòa bình thế giới, William Randal Cremer và Frédéric Passy là những người đầu tiên được nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Liên minh Nghị viện thế giới |
Từ London (1890), Roma (1891) đến Bern (1892)
Hội nghị lần thứ hai diễn ra tại Lodon trong hai ngày 22 và 23 tháng 7 năm 1890 thu hút thêm đại biểu từ 6 nước nữa. Nội dung chủ yếu của hội nghị là thảo luận và xem xét các biện pháp tốt nhất để tăng cường các nguyên tắc trọng tài và các vấn đề tương tự.
Hội nghị lần thứ ba tại Rome, Italy vào đầu tháng 11 năm 1891 tập trung chủ yếu vào thiết lập cơ cấu bên trong - cơ quan thường trực của Hội nghị và các nguyên tắc hoạt động của nó.
Tại Bern, Thụy Sĩ năm sau (năm 1892) đã diễn ra Hội nghị lần thứ tư, một văn phòng được thành lập với tên gọi Văn phòng liên Nghị viện về Trọng tài quốc tế. Người giữ chức vụ Chủ tịch điều hành là Ủy viên Hội đồng quốc gia Albert Gobat, cựu Bộ trưởng Giáo dục bang Bern và là Chủ tịch Hội nghị thứ tư.
Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của Liên minh vẫn chưa được hoàn thiện ở Bern. Liên minh vẫn chưa có qui chế hoạt động. Mãi cho đến cuộc họp của Văn phòng tại Brussels năm 1893 mới thảo được qui chế và một năm sau đó được ban hành ở La Haye.
Từ La Haye (1984) đến Buđapest (1896)
Hội nghị La Haye tháng 9 năm 1894 đánh dấu việc mở rộng cơ sở đa quốc gia của tổ chức này. Ý tưởng thành lập Toà án Trọng tài thường trực được đưa ra tại Rome trước đó đã đạt được những cơ sở nhất định. Một Ủy ban đặc biệt được giao dự thảo công ước dựa trên một số nguyên tắc “độc lập chủ quyền quốc gia là không thể tước bỏ và bất khả xâm phạm; các chính phủ tham gia vào thể chế Toà án Quốc tế là hoàn toàn tự nguyện; tất cả các quốc gia tham gia hoàn toàn bình đẳng trước Toà án quốc tế; các phán xử của Toà án phải có hiệu lực thi hành”.
“Bản ghi nhớ của các cường quốc” được dự thảo nêu ra tất cả các biện pháp có thể nhằm đảm bảo tính công bằng của các thẩm phán, những người có thể mang quốc tịch của bất kỳ một quốc gia nào tham gia công ước thiết lập toà án trọng tài trong tương lai. Việc yêu cầu toà án đứng ra xét xử là tự nguyện và việc thi hành các quyết định của toà án dựa trên các biện pháp hoà bình do tòa phán quyết.
Hội nghị Budapest tháng 9 năm 1896 đánh dấu kỷ lục đáng khích lệ với sự tham gia của 250 đại biểu đến từ 16 quốc gia. Từ sau năm 1889, các đại biểu Mỹ không tham gia hội nghị nào của Liên minh và lần này cũng vậy. Tuy nhiên, việc họ trở lại hội nghị vào năm sau là một dấu hiệu tích cực. Sự vắng mặt đáng tiếc và làm cho Liên minh lo ngại nhất là các đại biểu đến từ Nga, những người không thể tham gia hội nghị do họ chưa có nghị viện. Văn phòng liên Nghị viện quốc tế đã phải bổ sung vào qui chế “sau khi đã thông báo cho Chính phủ từng nước, từng thành viên của các Nghị viện và các Hội đồng hoặc thể chế tương tự ở các nước không có hiến pháp cũng có thể tham gia hội nghị”. Đó được coi là “điều khoản Nga nổi tiếng” mà sau này đã bị huỷ bỏ. Tuy vậy, trước lời kêu gọi của hội nghị, Chính phủ Nga vẫn từ chối tham dự.
Từ Christiania (1899) đến Paris (1900)
Hưởng ứng lời kêu gọi các quốc gia do Sa hoàng Nicolas II phát động nhằm triệu tập một hội nghị bàn về hạn chế vũ khí, những nội dung trong thông điệp của nước Nga được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị, bao gồm lệnh tạm ngừng tuyển thêm quân số và tăng chi phí quân sự, lệnh cấm sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm và phát minh ra các loại vũ khí này; củng cố luật pháp và tập quán chiến tranh trên biển và đất liền để bổ sung vào Công ước Geneva 1864; việc chấp nhận sử dụng các biện pháp hỗ trợ, trung gian và trọng tài tự nguyện. Động thái này báo hiệu đỉnh cao nỗ lực của Liên minh, đó là trọng tài được chính thức công nhận là công cụ để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Hội nghị tại Christiania vào năm kỷ niệm lần thứ 10 của Liên minh (1889-1899) đánh dấu bằng sự tham gia đông đảo của 468 đại biểu đến từ 18 quốc gia.
Hội nghị Paris năm 1900, với tư cách là một thể chế, Liên minh đã tán thành nguyên tắc “ngầm” về không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên có thế lực nhất. Nhưng mặt khác, Liên minh không ngăn cản việc các thành viên sử dụng tư cách cá nhân hay tư cách thành viên nhóm tập hợp nhau lại với một lý do nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của họ. Hội nghị Paris chỉ tập trung nghiên cứu về vấn đề “chế độ đối xử trong chiến tranh đối với các quốc gia đã tuyên bố trung lập” và “sứ mệnh của các nghị sỹ về giáo dục ”.
Từ Vienna (1903) đến London (1906)
Hội nghị của Liên minh đã bị gián đoạn trong suốt 3 năm do tại Christiania, một quyết định về việc tổ chức hội nghị hai năm một lần được đưa ra và Paris được chọn cho năm 1900 và Vienna cho hội nghị năm 1902. Nhưng với số lượng đông đảo khoảng 600 đại biểu đã buộc các nhà tổ chức hủy bỏ hội nghị tại Vienna vào phút chót và hoãn đến năm 1903. Các đại biểu dành sự chú ý lớn tới báo cáo về các vụ kiện được đưa ra trước Toà án La Haye như tranh chấp thuế nhập khẩu giữa Mexico và Mỹ hay giữa một bên là Đức - Anh - Pháp và Nhật Bản. Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào đề tài chiến tranh giữa ba nước Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch.
Hội nghị của Liên minh với sự tham gia của 136 nghị sĩ từ 15 nước châu Âu và nhóm Quốc gia Hoa Kỳ mới thành lập đã đưa thanh thế của Liên minh lên tới đỉnh cao. Nghị quyết của Liên minh về việc triệu tập hội nghị La Haye mới đã được Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt thông qua và được báo chí Mỹ cũng như báo chí thế giới hết lòng ca ngợi. Một nghị quyết quan trọng khác của Liên minh yêu cầu các nước tham gia hội nghị La Haye ký hiệp ước kết thúc chiến tranh Nga - Nhật. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng rất quan tâm đến vấn đề này và những nỗ lực của ông đã đạt được kết quả với Hiệp ước Portmouth. Chính điều này đã đem lại cho ông Giải thưởng Nobel vì hoà bình năm 1906.
Để chuẩn bị cho hội nghị La Haye lần thứ hai, đại biểu Mỹ Richard Barthltd đã có sáng kiến đưa ra một hiệp ước mẫu mực chung toàn cầu về trọng tài, qui định phạm vi thẩm quyền rộng lớn của toà án bao gồm việc giải thích và thi hành các hiệp ước, các đặc quyền ngoại giao, lãnh sự; quyền hàng hải, bồi thường và vi phạm nhân quyền cũng như các nguyên tắc được luật pháp quốc tế công nhận. Dự thảo được sửa đổi và được Hội nghị lần thứ 14 tại London thông qua năm 1906.
Hội nghị London 1906 đánh dấu việc bắt đầu thảo luận kế hoạch cải tổ bộ máy của Liên minh. Kế hoạch này được hoàn thành 2 năm sau đó tại Hội nghị Berlin. Với Cremer, Hội nghị London là hội nghị cuối cùng ông tham dự. Ông đã qua đời vào tháng 6 năm 1908. Đây là một tổn thất to lớn đối với Liên minh và đồng sự của ông.
Từ La Haye (1907) đến Berlin (1908)
Hội nghị La Haye lần thứ hai (năm 1907) đã đưa ra được mô hình do Liên minh đề xuất. Tuy vậy, vẫn chưa kết hợp được thành phần cốt yếu là một hiệp ước tập thể thay cho các hiệp ước song phương trước đây và thực hiện mục tiêu đưa tất cả các tranh chấp pháp lý ra Tòa án Trọng tài. Nhân việc nêu ra vấn đề này, Hội nghị La Haye lần thứ hai đã xem xét thêm một số đề án cải cách Tòa án Trọng tài thường trực được thành lập tại hội nghị lần thứ nhất. Hội nghị đề xuất việc thành lập Toà án Thường trực Tối cao; Tòa án này sẽ không nhờ đến các thẩm phán sẵn có mà vào thời điểm tranh chấp xảy ra mới lựa chọn trọng tài. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao vẫn không thể thực hiện được do thiếu hiệp định về lựa chọn thẩm phán. Vấn đề là các nước nhỏ cứ khăng khăng đòi đặc quyền của mình trong việc bổ nhiệm thẩm phán có hiểu biết sâu rộng về luật pháp của nước mình. Chính vì vậy, đạo luật cuối cùng của hội nghị tuyên bố Tòa án Tối cao chỉ tồn tại trong giai đoạn thử nghiệm và khuyến nghị áp dụng điều này ngay khi đạt được thoả thuận lựa chọn thẩm phán.
Tại hội nghị lần thứ 15 ở Berlin năm 1908, Liên minh nhanh chóng đưa ra đề nghị với các cường quốc trước đó đã tán thành các nguyên tắc trọng tài dựa trên đề án của Liên minh, yêu cầu các cường quốc xây dựng Công ước Trọng tài toàn cầu theo đúng thể thức. Các nước khác sau này sẽ chỉ phải tham gia hiệp ước cơ bản đó. Hội nghị Berlin năm 1908 cũng ghi nhận sự có mặt lần đầu tiên của các đại biểu đến từ Nhật Bản.
Một vấn đề đáng lo ngại đối với tính đại diện của các nhóm quốc gia tại các phiên họp toàn thể. Số lượng đại biểu của nước chủ nhà luôn luôn đông đảo đối diện với các đoàn đại biểu bị cắt giảm tối thiếu do khoảng cách địa lý - địa điểm họp cũng như chi phí ăn ở, đi lại tốn kém. Việc phân bổ số phiếu không đồng đều cũng bị phê phán. Kết quả là hàng loạt các biểu mẫu phân bổ phiếu biểu quyết ra đời dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như dân số quốc gia, số lượng các dân tộc tham gia, hệ số bình quân ngoại thương tính theo đầu người. Bản sửa đổi năm 1910 của Liên minh qui định nhóm quốc gia của nước chủ nhà tổ chức hội nghị không được hưởng nhiều hơn số phiếu mà nhóm đang có với quyền bỏ phiếu đầy đủ.
Để chuẩn bị cho một loạt cải cách của Liên minh trong thời gian sắp tới, Huân tước Weardale đã cố gắng đạt được sự chấp thuận với việc thành lập hai cơ quan mới được lựa chọn là Hội đồng, mỗi nhóm quốc gia có hai thành viên tham gia, giống như hiện nay chịu trách nhiệm giám sát hành chính của Liên minh, và Ủy ban Điều hành - một kiểu cơ quan đầu não do Hội nghị bầu ra. Hàng năm, vị trí Chủ tịch Hội đồng có thể được bầu lại và tuy đã có từ trước nhưng chỉ là hình thức, nay được trao thực quyền cho một người vừa đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch, vừa là thành viên mặc nhiên của Ủy ban Điều hành. August Beernaert giữ chức vụ này từ năm 1989 cho đến khi qua đời vào năm 1912, sau đó Huân tước Weardale là người kế nhiệm.
Văn phòng Bern được thay thế bằng Ban thư ký, đứng đầu là Tổng thư ký tuy bản thân không phải là nghị sỹ nhưng được Hội đồng bổ nhiệm. Người được chọn làm Tổng thư ký là Christian Lange, Thư ký Ủy ban Nobel của Nghị viện Nauy - người đã thực hiện nhiệm vụ đó trong suốt 25 năm một cách xuất sắc.
- Từ Brussels (1910) đến La Haye (1913)
Một hội nghị ngắn từ 30 tháng 8 đến 1 tháng 9 năm 1910 tại Brussels, thảo luận xoay quanh Tuyên ngôn về Luật chiến tranh trên biển đã đưa ra tại cuộc họp liên chính phủ tổ chức tại London tháng 12 năm 1908 với sự tham gia của 10 nước. Tuyên ngôn có mục đích thừa nhận các điều khoản được thông qua tại Hội nghị La Haye liên quan đến những hạn chế đối với việc thực hiện quyền bắt giữ. Liên minh cố gắng thuyết phục các quốc gia phê chuẩn tuyên ngôn đồng thời đề nghị các nước tuân thủ văn bản này.
Nhóm quốc gia Italy đưa ra đề nghị tổ chức Hội nghị Liên minh trong năm tới tại Rome và công tác chuẩn bị tại Brussels vạch ra chương trình nghị sự cho năm tới đã được thực hiện với danh sách các chủ đề quan trọng như giải trừ quân bị, hệ thống trung gian mới và việc cấm chiến tranh trên không. Nhưng rồi ngay trong tháng 8, Chính phủ Italy đã tiến hành cuộc chiến tranh chống lại đế chế Ottoman và kế hoạch tổ chức hội nghị bị đổ vỡ.
Hội nghị Liên minh vào tháng 9 năm 1913 tại La Haye là hội nghị chính thức cuối cùng trước khi bị gián đoạn do Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ. Cuộc họp Hội đồng tại Brussels tháng 4 năm 1914 diễn ra tĩnh lặng mà không một thành viên nào của Liên minh có thể dự báo được cuộc chiến tranh thế giới sắp sửa nổ ra. Các đại biểu tiếp tục công việc thường lệ, vạch ra chương trình nghị sự cho Hội nghị lần thứ 19 mà không ngờ mãi 7 năm sau mới có thể tổ chức họp lại tại Stockholm.
- Chiến tranh - đỉnh cao của thách thức
Mâu thuẫn của người Serbia và người Áo càng bùng phát sau sự kiện ám sát Thái tử Franz Ferdinand. Áo được Đức khuyến khích đưa ra tối hậu thư cho Serbia vào ngày 23 tháng 7. Hai ngày sau, Serbia phúc đáp: nước này chấp nhận tất cả các yêu sách của Áo, trừ điều mà danh dự quốc gia khiến Serbia không thể phục tùng, đó là gửi các viên chức Áo đến Serbia để trấn áp sự lật đổ; về điểm này Serbia đã đề nghị đưa ra Toà án La Haye. Ngày 26 tháng 7, Ngoại trưởng Anh đề nghị triệu tập hội nghị quốc tế để giải quyết tranh chấp này nhưng đã quá muộn. Ngày 28 tháng 7, Áo tuyên chiến với Serbia. Ban thư ký Liên minh ở Brussels quá sửng sốt truớc các sự kiện diễn ra nhanh chóng. Ngày 1 tháng 8, Đức tuyên chiến với Nga. Ngày mồng 3, Đức tiến quân vào Bỉ. Cùng ngày đó, Huân tước Weardale - Chủ tịch Hội đồng Liên minh và Lange - Tổng thư ký vẫn nghĩ rằng cần phải gửi điện tới các nhóm quốc gia trong Liên minh, thúc giục họ nhóm họp để đưa ra lời thỉnh cầu công khai và đầy nhiệt huyết đòi chính phủ nước họ can thiệp, phù hợp với nghĩa vụ được qui định trong Công ước La Haye, nhằm chống lại sự mở rộng chiến tranh. Nhưng tất cả đã quá muộn, không có hành động hưởng ứng nào vì tất cả đang bị nhấn chìm bởi làn sóng của chủ nghĩa yêu nước và tiếng gọi bảo vệ đường biên giới đang bị đe dọa.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Liên minh đã cố gắng không mệt mỏi để khởi động lại các hoạt động thường kỳ của mình. Nhưng rồi chiến tranh vẫn ám ảnh, đeo đẳng và tìm cách hủy hoại nền hòa bình. Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã nổ ra (năm 1939), một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Hoạt động của Liên minh lại bị gián đoạn trong 7 năm, mãi đến năm 1947 mới trở lại hoạt động bình thường.
Mặc dù hơn nửa thế kỷ đầu tiên tồn tại của Liên minh chưa đủ để đánh giá những thành công hay thất bại của nó, nhưng Liên minh Nghị viện thế giới đã đóng góp không nhỏ trong việc tạo lập ra các chuẩn mực tối thiểu để điều chỉnh tốt mối quan hệ giữa các quốc gia vì mục tiêu cao cả đó là nền hoà bình của nhân loại.