Sông Tô Lịch có thể trở thành công viên tâm linh, chống ngập và làm cao tốc ngầm?
Đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch vừa có đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - tâm linh và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống chống ngập kết hợp cao tốc ngầm.
Liên quan đến hoạt động xử lý cải tạo sông Tô Lịch, ngày 7/7, Công ty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - tâm linh (công viên hữu nghị Việt - Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch, bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Sông Tô Lịch từ lâu bị coi là dòng sông ''chết". (Ảnh tư liệu) |
Theo JVE, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Để có thể làm sống lại sông Tô Lịch đúng nghĩa, cần có giải pháp tổng thể về các vấn đề thu gom nước thải và cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải; xử lý triệt để nguồn gốc gây ra mùi hôi thối; xử lý bùn đáy, tầng nước đã bị ô nhiễm trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão...
Bên cạnh đó, dự án cải tạo sông cũng hướng đến việc bảo tồn giá trị lịch sử văn hoá tâm linh, vấn đề phát triển du lịch.
Hiện tại, quanh khu vực sông Tô Lịch đang có 3 vấn đề tồn tại là ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão.
Con sông có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở TN&MT Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh (Công viên hữu nghị Việt Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch. (Ảnh phối cảnh) |
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group cho biết, việc xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Việc này không chỉ là sự ghi nhận mà còn là động lực để biến ý tưởng thành thực tế, mang lại không gian văn hoá lịch sử cho người dân. Việc cải tạo, làm đẹp cho sông Tô Lịch là mong muốn của nhiều người dân Thủ đô.
Cũng theo ông Tuấn Anh, dự án sẽ có 2 hợp phần chính, gồm: Hệ thống đường cao tốc ngầm hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô; Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group. |
Hệ thống hầm ngầm dài khoảng 11,65km bao gồm các máng thu đặt dọc một bên mép hè đường dạo dọc Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch, sau đó chảy vào 9 giếng thu nước được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông, được kết nối với nhau bởi một đường hầm ngầm có đường kính D16,8m. Hầm ngầm dẫn nước chảy về một bể điều áp khổng lồ ở cuối tuyến (gần đập Thanh Liệt).
Bể điều áp được thiết kế để chứa được hàng triệu m3 nước đáp ứng các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm. Nước chứa từ bể điều áp sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống máy bơm với công suất 200m3/s sau khi mực nước sông Nhuệ xuống thấp để đảm bảo chống ngập.
Sông Tô Lịch ô nhiễm khá nặng.
Hợp phần thứ 2 là công viên lịch sử - văn hoá – tâm linh Tô Lịch nằm ở phía bên trên. Hai bờ kè đá hộc mái dốc hiện có sẽ được phá dỡ và xây dựng lại thành bờ kè thẳng đứng; xây dựng đường dạo dọc hai bên lòng sông tại ví trí mái dốc kè thẳng xuống để tạo không gian đi bộ, tập thể dục cho người dân.
Chia sẻ về đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, TP đã giao nhiệm vụ cho các sở ngành nghiên cứu đề xuất trên. Cụ thể, giao các sở, ngành kiểm tra, rà soát tổng thể các nội dung về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (quy hoạch thoát nước) được tích hợp trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) dọc hai bên sông Tô Lịch – Kim Ngưu – Lừ - Sét trong đó gắn với định hướng giải pháp môi trường, cảnh quan, giao thông, lịch sử văn hoá, thoát nước, xử lý nước thải…
“Việc xây dựng hầm ngầm kết hợp giao thông để tăng khả năng thoát nước của lưu vực với trận mưa đạt 500mm là có cơ sở trong bối cảnh thực trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra như hiện nay. Đồng nghĩa với việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của sông Tô Lịch theo hướng trở thành một tuyến cảnh quan trong đô thị.
Chức năng thoát nước của sông Tô Lịch được thay thế bằng hệ thống hầm ngầm dọc theo sông. Những nội dung đề xuất này cần được các sở, ngành của thành phố nghiên cứu đề xuất, tiếp cận có định hướng tốt; thậm chí là tham khảo các ý kiến của chuyên gia và nhà khoa học. Chắc chắn là đề xuất này cần được nghiên cứu để điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tới đây”, ông Dương Đức Tuấn nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn. |
Sông Tô Lịch trước đây vốn là một phân lưu của sông Hồng đưa nước từ thượng lưu sông Hồng sang sông Nhuệ… Sông Tô Lịch ngày nay có điểm đầu từ Hoàng Quốc Việt đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu) nhập vào sông Nhuệ, tổng chiều dài gần 13km.
Phía dưới đường dạo tính toán đặt các cửa tràn thu nước dẫn dòng vào hệ thống hầm ngầm chống ngập để khống chế mức nước trên sông khi có lũ hoặc khi có nguồn nước bổ cập vào sông.
Sông có các nguồn cấp nước chính từ nước hồ Tây, sông Lừ, nguồn nước mưa, nước thải… dọc hai bên bờ sông. Trong hệ thống thoát nước Hà Nội, lưu vực Tô Lịch có mật độ dân cư rất cao. Nước thải sinh hoạt phát sinh đổ vào hệ thống sông Tô Lịch gây ô nhiễm nhiều năm qua, khiến dòng sông lịch sử trở thành dòng sông chết.
Bảo Khánh