Chủ tịch JVE: Sông Tô Lịch không phải nơi kiếm tiền!
Sáng 22/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt tổ chức thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ Nhật Bản.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật - Việt (JVE - đơn vị tham gia xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch), có nhiều ý kiến nghi ngờ JVE xây dựng công trình để thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, người đứng đầu JVE khẳng định, "sông Tô Lịch không phải là nơi kiếm tiền, không phải nơi Nhật Bản kiếm lợi nhuận".
JVE thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ Nhật Bản. |
Trả lời câu hỏi công viên sẽ được vận hành và duy trì như thế nào, đại diện JVE khẳng định, JVE không đặt điều kiện với TP Hà Nội về việc quản lý nguồn thu hoặc kinh doanh. Nguồn thu từ dịch vụ du lịch trong lòng sông như thuyền rồng, giao thông bằng đường thuỷ hay một số dịch vụ khác sẽ được Hà Nội thu để làm công ích, hoặc có thể trang trải một phần chi phí công cộng như điện.
JVE lý giải, việc tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ Nhật Bản sẽ góp phần giảm chi phí điện chiếu sáng. Cùng với đó, máy Nano chỉ sử dụng 6/24 giờ, không phải vận hành 24/24 khi sông đã được làm sạch. Điều này cũng góp phần giảm chi phí điện xuống đáng kể, không ảnh hưởng quá lớn đến vấn đề duy tu bảo trì.
"Chúng tôi cố gắng để chi phí duy trì xuống mức thấp nhất có thể", đại diện JVE thông tin thêm.
Hình ảnh mô phỏng về đề xuất xây dựng "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”. |
Về dư luận xung quanh việc gắn chữ “tâm linh” trong tên của Dự án đề xuất, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: "Những yếu tố dịch vụ tâm linh hay những tượng đài... không phải là việc bị cấm, vấn đề là có hợp lý hay không. Theo các chuyên gia văn hóa, tâm linh có ý nghĩa rất rộng nhưng không liên quan gì đến việc xử lý chất thải".
“Có nhiều chuyên gia lại nói rằng “tâm linh” có ý nghĩa rất rộng nhưng không liên quan gì đến việc xử lý chất thải”. Chuyên gia nói như vậy là cố tình nói chệch hướng vấn đề.
Bởi, trước khi dòng sông được xử lý triệt để mùi hôi thối, ô nhiễm, thì sẽ không ai đặt tượng đài vào. Dự án xử lý triệt để các nguồn ô nhiễm cả bên trong và bên ngoài sông Tô Lịch, từ đó làm sống lại và hồi sinh dòng sông mà trước kia vua, quan vẫn thường vãn cảnh, sau đó mới đặt các tượng đài”, Chủ tịch JVE nhấn mạnh.
Nói về tính khả thi của dự án, GS Trần Hiếu Nhuệ (Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường) nhận định: "Nếu dự án thành công, người dân Hà Nội, người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ dự án này. Để biến dự án này thành hiện thực thì các chuyên gia, những người thực hiện đề xuất này cần thời gian, tiến hành cải tạo từng bước".
GS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường. |
Vấn đề thời gian làm “sống lại” và “hồi sinh” sông Tô Lịch, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Để dự án cải tạo sông Tô Lịch thành công, việc đồng bộ giữa các dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong vòng 4 năm (đã thực hiện được 6 tháng) cùng với dự án thu gom nước thải là điều cần thiết. Theo tính toán, khi dự án cải tạo sông Tô Lịch được thực hiện song song với những dự án trên thì mất tối thiểu 5 năm (2021- 2026) để hoàn thành".
Ngày 15/9/2020, JVE gửi công văn báo cáo tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất “giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Đề xuất này ngay lập tức khiến dư luận xôn xao. Đa số ý kiến mong chờ việc “hồi sinh” dòng sông gắn liền với lịch sử Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu về hai chữ “tâm linh” trong tên dự án.
Anh Hùng