Sóng siêu âm chữa lành xương gãy
Sóng siêu âm chữa lành xương gãy
Angus MacLean, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại thành phố Scotland đã đi tiên phong trong việc sử dụng sóng siêu âm để chữa lành các xương bị gãy, rút ngắn 1/3 thời gian phục hồi chấn thương.
Vào những năm 1950, Bệnh viện Hoàng gia Glasgow đã lần đầu tiên phát triển công nghệ sóng siêu âm trong chẩn đoán các ca gãy xương.
Hơn 50 năm sau, công nghệ này đã chính thức được áp dụng trong điều trị bệnh. Ông MacLean cho biết: “Chúng tôi sử dụng sóng siêu âm trong chữa trị những ca gãy xương nặng, mà không gây đau đớn cho bệnh nhân. Sóng siêu âm sẽ rung nhẹ các tế bào, kích thích quá trình hàn gắn và tái tạo xương”.
Kỹ sư Gary Denham, là một trong những người đầu tiên được điều trị bằng sóng siêu âm sau khi anh này bị ngã từ một bể nước cao 6m, khiến mắt cá chân vỡ thành tám mảnh.
Chấn thương của Denham đặc biệt nghiêm trọng và anh dường như không còn cơ hội hồi phục nếu điều trị theo những phương pháp hiện đang được áp dụng. Tuy nhiên Denham đã hoàn toàn bình phục chấn thương sau vài tháng nhờ điều trị bằng sóng siêu âm.
Do chi phí điều trị khoảng 1.000 bảng/ bệnh nhân, nên công nghệ này mới chỉ được áp dụng với những bệnh nhân gặp chấn thương nặng tại Bệnh viên Hoàng gia Glasgow
“Trước khi sử dụng công nghệ sóng siêu âm, việc điều trị những chấn thương nặng sẽ rất khó khăn. Trong một số trường hợp, việc điều trị không thể chữa lành hoàn toàn chấn thương. Bệnh nhân sẽ mất khoảng 6- 12 tháng điều trị và liên tục bị đau”, bác sĩ MacLean nói.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sóng siêu âm làm tăng 40% tốc độ lành xương.
Công nghệ sóng siêu âm chữa lành xương sử dụng tần số và xung hơi khác so với công nghệ siêu âm thai nhi. Nó sẽ kích thích các tế bào loại bỏ vi khuẩn, kích thích quá trình sản xuất các tế bào xương mới, đồng thời thúc đẩy những tế bào này phát triển nhanh hơn.
Theo dự kiến, chi phí điều trị gãy xương bằng sóng siêu âm sẽ giảm dần, nhằm tăng tốc độ phục hồi cho cả những ca chấn thương gãy xương nặng và nhẹ.
Minh Thu
Theo BBC