Sơn La từng bước xây dưng OCOP thành sản phẩm thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường
Mặc dù còn nhiều khó khăn khi thực hiện, nhưng tới đây, tỉnh Sơn La phấn đấu có trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, từng bước xây dưng sản phẩm OCOP Sơn La thành thương hiệu, lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với phương châm: OCOP Sơn La - Nâng tầm giá trị chất lượng nông sản vì lợi ích cộng đồng, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị; giai đoạn 2018-2020, Sơn La đã có 30 sản phẩm của 11 huyện thành phố tham gia đánh giá phân hạng.
Kết quả đạt được 28 sản phẩm của 18 chủ thể kinh tế đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh năm 2019, trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao theo bộ tiêu chí OCOP quốc gia.
Sơn La phấn đấu có trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên |
Tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất Bích Thao (tham gia đánh giá cấp quốc gia 5 sao), trà vỏ cà phê, chè Trọng Nguyên, mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược, hồng giòn sấy dẻo, trà xanh mây, cá tép dầu, thịt trâu gác bếp…
Ước thực hiện năm 2020 có trên 57 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP (trong đó có 17 sản phẩm làm điểm cấp tỉnh: có 8 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 1 sản phẩm nhóm đồ uống, 3 sản phẩm nhóm thảo dược, 3 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, trang trí, 2 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn), nâng tổng số toàn tỉnh có trên 85 sản phẩm đạt OCOP. Trong đó, có 1 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc Gia; 2 sản phẩm về du lịch cộng đồng gắn với nông thôn.
Tỉnh Sơn La cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP cũng nhận thấy một số khó khăn, thách thức mới cần được các cấp, các ngành quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn nữa; trong đó còn một số địa phương chưa phê duyệt đề án, kế hoạch thực hiện chương trình OCOP cấp huyện.
Nhìn chung, hệ thống tổ chức thực hiện chương trình OCOP còn thiếu và yếu; nhiều cán bộ có nhận thức chưa rõ về bản chất và nguyên tắc của chương trình OCOP. Một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch nhưng chưa triển khai hoạt động cụ thể, chưa bám sát đúng chu trình OCOP đã được quy định tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018, do vậy tiến độ và chất lượng triển khai chương trình của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Nnhiều địa phương chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm của một số chủ thể đơn lẻ, có tính cộng đồng chưa cao để đưa vào tham gia chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng.
Cùng với đó, vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn rất hạn chế; công tác xúc tiến thương mại tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, tổ chức nhiều hội chợ quảng bá trong và ngoài tỉnh song còn chưa tập trung, khâu tổ chức còn chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng của các sản phẩm OCOP.
Tình trạng lẫn lộn giữa sản phẩm OCOP và các sản phẩm chưa đạt chuẩn khác gây nên sự nhầm lẫn của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP.
Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể khắc phục những tồn tại hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết. Đây cũng là cơ hội để các làng nghề, HTX, cơ sở sản xuất phát huy, khai thác hết tiềm năng, tinh hoa của mình. Nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại.
Thời gian tới tỉnh Sơn La phấn đấu có trên 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, từng bước xây dưng sản phẩm OCOP Sơn La thành thương hiệu, lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và từng bước hướng tới xuất khẩu.
Thảo Nguyên