Sở Xây dựng Hà Nội: Sẽ cố gắng giảm số cây phải chặt trên đường Phạm Văn Đồng
GĐ Sở Xây dựng Hà Nội: trong 1.300 cây xanh này thì chặt hạ không phải là ưu tiên. Ưu tiên dịch chuyển, giữ nguyên vị trí, bất khả kháng mới chặt hạ để thi công để thấy cái cây quý như thế nào, cho nên đến giờ chưa động gì ở đây cả. |
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, báo chí đã đặt hàng loạt câu hỏi như: Dự án được phê duyệt năm 2013 nhưng việc chặt cây bây giờ mới là ý tưởng và đề xuất, vậy khi TP phê duyệt dự án có phương án xử lý cây xanh như nào?
Hoặc khi BQL đưa các phương án ra có những phương án nào để lựa chọn, phương án nào giữ được nhiều cây nhất? Nếu thực hiện phương án dịch chuyển, chặt hơn 1.300 cây xanh đó thì có đánh giá tác động môi trường chưa? Đến thời điểm này HN có văn bản nào quy định lúc nào chặt cây xanh?
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề được báo giới nhắc lại hai lần nhưng Giám đốc Sở Xây dựng vẫn … quên không trả lời.
Theo đó, ông Dục chỉ tập trung vào đề xuất chặt hạ, di dời 1.300 cây trên đường Phạm Văn Đồng. Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng có hơn 1.000 cây, trong đó 90% là cây xà cừ. Xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng có 2 nhóm, một nhóm có đường kính từ 80cm - 1,2m, có tuổi trung bình từ 56 - 60 tuổi. Tuy nhiên, số này chỉ chiếm 10% xà cừ trên đường, chủ yếu nằm ở cuối đường. Còn lại chủ yếu là các cây trồng từ năm 1985, chiếm khoảng 90% số cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng, số cây xà cừ này có đường kính chưa đến 50cm.
Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc mở rộng đường Phạm Văn Đồng vô cùng quan trọng, cấp thiết vì tuyến đường này lượng xe cộ quá lớn, ùn tắc gần như thường xuyên.
Về số lượng cây phải đánh chuyển, ông Dục cho biết, thông tin đánh chuyển hơn 1.000 cây mới chỉ là phương án của đơn vị tư vấn, còn thành phố sẽ cố gắng hết sức giảm được cây nào tốt cây đó.
“Có mấy câu để nói về việc này là ‘di chuyển, giữ nguyên vị trí và bất khả kháng thì đánh hạ để thi công’, quan điểm của thành phố không phải chặt hạ là hàng đầu, mà sẽ cố gắng đánh chuyển để sử dụng vào mục đích khác. Với công nghệ mới, có các đơn vị đủ kinh nghiệm, tôi tin rằng có thể đánh chuyển được, cây sống được nhiều”, ông Dục nói.
Ông Dục cũng cho biết thêm, cây nằm dưới hạ tầng, không thể đào được vì vướng công trình ngầm thì mới phải chặt. Khi chặt một cây thành phố cùng các chuyên gia phải xem xét rất kỹ càng. Còn chỗ nào đất rộng rãi, không vướng công trình ngầm thì đánh chuyển đi, trồng ở vành đai 3, sau đó tái sử dụng ở công viên và những chỗ phù hợp như cánh đồng.
Vẫn theo Giám đốc Sở Xây dựng thì, trong dự án này, Thành phố yêu cầu cao hơn về quy hoạch cảnh quan kiến trúc, cây xanh. Theo đó, sau khi dịch chuyển, đánh hạ thì tuyến đường này sẽ được trồng mới phải tương đương hệ thống cây xanh đã trồng trên đường Võ Chí Công. Theo đó, tầng cây cao tổng số: 1.547 cây, gồm các loại như giáng hương; bàng đài loan; cọ dầu; ban hoàng hậu... Tầng cây bụi 4.649 cây các loại, gồm: đại sứ, tường vi; ngọc bút, dâm bụt, hoa giấy… Tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu gồm 60.772 m2 các loại, gồm dương xỉ, ngọc trai, muống nhật; lan dẻ quạt..
“Việc thiết kế cây xanh trồng mới tại dự án đường vành đai 3 bằng các loài cây đa dạng chủng loại, thành 3-4 tâng, góp phần cải thiện môi trường không khí, giảm tiếng ồn, giảm chi phí duy trì, giữ ẩm tạo màu xanh nhằm tạo nên một hệ thống cảnh quan đẹp, hiện đại, phù hợp và đồng bộ với các dự án trên trục giao thông có giá trị thẩm mỹ cao, tạo được dấu ấn và những nét đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội” – Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục nêu.