Sở Xây dựng Hà Nội: Cây ở đường Nguyễn Chí Thanh là... vàng tâm
Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định không có chuyện DN đứng sau việc chặt cây (Ảnh ND) |
Trả lời câu hỏi của PV liên quan đến việc những cây xanh chặt hạ được đưa đi đâu? Cây trồng mới mua ở đâu, giá bao nhiêu tiền?
Sở Xây dựng cho biết: Các cây xanh còn đủ điều kiện sinh trưởng sẽ được chuyển về vườn ươm để chăm sóc, chỉnh trang và sau đó được trồng ở các công viên, vườn hoa.
Số lượng gỗ, củi đã chặt hạ được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị, Sở Xây dựng phối hợp lập hồ sơ quản lý. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá theo quy định.
Đối với các cây thay thế do các đơn vị ủng hộ, hỗ trợ, theo Sở Xây dựng thì được thực hiện thông qua việc thuê các đơn vị chuyên ngành thực hiện, giá cây xanh do các đơn vị hỗ trợ tự quyết định mua hoặc ủng hộ cây. Các cây này đều được Sở Xây dựng nghiệm thu sau khi trồng, các đơn vị đều thống nhất với Sở Xây dựng đảm bảo cây sống mới hết trách nhiệm. Việc thanh quyết toán thực hiện theo các quy định hiện hành.
Vấn đề này có liên quan đến việc cây trồng thay thế cây Vàng tâm trên đường Nguyễn Chí Thanh. Trả lời vấn đề này, Sở Xây dựng cho biết, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây Vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.
Cây Vàng tâm cao trung bình 25 - 30m, đường kính thân cây 70 - 80cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1cm, cành non, lá non có lông tơ màu nâu, lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 - 17cm, rộng 1,5 - 6,5 cm… Sở Xây dựng cho biết, trên thực tế cây Vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.
Có phải DN đứng sau việc chặt hạ cây xanh?
Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi: Dư luận cho rằng các DN đứng sau việc chặt cây? Thực hư thông tin này ra sao? Số tiền bán gỗ sau chặt hàng trăm tỷ được sử dụng vào việc gì?
Theo Sở Xây dựng, hưởng ứng việc xã hội hóa công tác cải tạo, thay thế cây xanh của Thành phố, các doanh nghiệp đã tự nguyện ủng hộ, hỗ trợ Thành phố trong việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường với mong muốn góp phần chung tay xây dựng Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn, đảm bảo an toàn cho các người dân trong khi tham gia giao thông.
Dư luận cho rằng có việc doanh nghiệp đứng sau việc chặt cây vừa qua là không đúng. Sở Xây dựng cũng khẳng định, số tiền lên đến hàng trăm tỷ sau khi bán gỗ là không có cơ sở. Toàn bộ số gỗ, củi thu được hiện đang tập kết tại kho của các đơn vị. Hiện chưa bán, toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Sở Xây dựng cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay có các đơn vị như Tập đoàn Vincom, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank), Công ty cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Công ty Công viên cây xanh, Công an Thành phố Hà Nội…và một số tổ chức, cá nhân khác cùng tham gia tài trợ.