Sở Xây dựng Đà Nẵng lên tiếng vụ "dân lo dự án Marina Complex lấn sông Hàn"
Sau khi báo Infonet đăng bài “Dân lo "mất" sông Hàn, Sở Xây dựng trả lời cho qua chuyện!”, chiều 21/4, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đã ký văn bản 2915/SXD-VP trả lời câu hỏi của người dân về việc “Dự án này đổ đất lấn sông, ngay vị trí của sông như vậy có ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa lũ lụt?” và “Có phải dự án này sẽ xây dựng/rào lại thành một khu biệt lập hay không? Theo giấy phép xây dựng thì dự án này phải là không gian mở hay đóng kín, người dân có được tiếp cận với bờ sông Hàn hay không?”.
Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định dự án Marina Complex không đổ đất lấn sông Hàn và không rào lại thành một khu biệt lập |
Để rộng đường dư luận, báo Infonet xin đăng tải nguyên văn nội dung trả lời của Sở Xây dựng Đà Nẵng:
“Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nhận được câu hỏi của công dân với tiêu đề “Về việc đổ đất lấn sông của dự án Marina Complex”. Sau khi kiểm tra, xem xét hồ sơ và trao đổi với các cơ quan có liên quan, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng trả lời như sau:
Đối với nội dung câu hỏi “Dự án này đổ đất lấn sông, ngay vị trí của sông như vậy có ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa lũ lụt?”:
Để hướng dòng chảy sông Hàn nhằm không gây sạt lở khu vực hạ lưu sông Hàn, ngay từ thời Pháp thuộc, tại khu vực hiện nay là dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng về phía Mân Quang đã xây dựng kè đá. Qua hàng năm, TP chỉ đạo các đơn vị gia cố tuyến kè đá này.
Với mục đích đảm bảo an toàn cho khoảng 500 ngàn người dân tại các khu đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ các công trình kiến trúc, lịch sử, công trình công công và cơ sở hạ tầng (đường Trần Hưng Đạo và đường Lê Văn Duyệt chạy dọc sông, mố cầu Thuận Phước, các nhà máy chế biến thủy hải sản...), Sở NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị khảo sát điều kiện địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn vào các mùa... và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan (có ý kiến thống nhất của Bộ NN-PTNT) để quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng (Quyết định số 8644/QĐ-UBND ngày 20/10/2008; Công văn số 193/UBND-QLĐTư ngày 09/01/2009; Thông báo số 20/5/2009 của UBND TP Đà Nẵng).
UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng tại Quyết định số 7221/QĐ-UBND ngày 21/9/2009.
Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng được UBND TP phê duyệt lần đầu tại Quyết định số 906/QĐ-UBND ngày 26/01/2011 với quy mô 175.512m2, trong đó phần diện tích đất liền là 105.520m2. Qua các lần điều chỉnh, dự án được phê duyệt quy hoạch gần nhất tại Quyết định số 658/QĐ-UBND ngày 3/2/2016.
Theo đó, phần ranh giới dự án được tính từ mép trong công trình đê, kè sông Hàn trở vào trong, với mục đích chống sạt lở bờ sông, bảo vệ công trình kiến trúc, lịch sử, công trình công cộng và cơ sở hạ tầng hai bên bờ sông Hàn, không ảnh hưởng tới bờ kè đá đã được xây dựng và gia cố hàng năm.
Do đó, có thể khẳng định rằng dự án Bất động sản vầ Bến du thuyền Đà Nẵng không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa lũ lụt.
Đối với nội dung câu hỏi “Có phải dự án này sẽ xây dựng/rào lại thành một khu biệt lập hay không? Theo giấy phép xây dựng thì dự án này phải là không gian mở hay đóng kín, người dân có được tiếp cận với bờ sông Hàn hay không?”:
Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng là dự án không gian mở, quy hoạch các công trình phục vụ công cộng (Câu lạc bộ duy thuyền, Bến du thuyền, Club house...), tuyến đường đi bộ rộng 9m dọc theo sông Hàn. Người dân hoàn toàn được sử dụng các dịch vụ và tuyến đường này.
Hiện nay, Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng là Chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng. Vừa qua, Chủ đầu tư có đề nghị thỏa thuận kiến trúc Văn phòng giao dịch và mẫu nhà phố điện hình mặt tiền đường Lê Văn Duyệt. Sở Xây dựng đã xin ý kiến UBND TP về nội dung này.
Trong trường hợp Chủ đầu tư tiến hành thi công xây dựng công trình, đổ đất lấn sông Hàn khi chưa được cấp Giấy phép xây dựng, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật hiện hành”.
Hai Sở Xây dựng và NN-PTNT lại cùng nằm trong tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, trao đổi thông tin với nhau rất thuận lợi. Thế nên việc Sở Xây dựng Đà Nẵng không kịp thời trả lời cho người dân trong thời hạn 3 ngày làm việc theo quy định, và khi trả lời sau 6 ngày làm việc lại không chấp hành nghiêm Quy chế vận hành Hệ thống Thông tin chính quyền điện tử đã được UBND TP Đà Nẵng ban hành, phải đợi tới khi báo chí lên tiếng mới có văn bản 2915/SXD-VP chính thức trả lời cho người dân là một sự chậm trễ không đáng có!