“Số phận” vải thiều có “long đong” như dưa hấu, hành tím?
Câu chuyện cả nước cùng chung tay giúp sức bà con nông dân trồng dưa hấu, hành tím chưa kịp nguôi thì một mặt hàng nông sản nữa là vải thiều cũng đang phải đối mặt với tình trạng "được mùa rớt giá" nếu không có ngay giải pháp tiêu thụ kịp thời.
“Vựa” vải thiều lớn nhất cả nước là Bắc Giang năm nay dự kiến sẽ thu hoạch sản lượng từ 160.000 – 190.000 tấn vải, với diện tích trồng khoảng 32.000 ha. Dù quả vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được thị trường Hoa Kỳ chấp thuận từ cuối năm 2014, nhưng sang tới mùa vụ 2015 mới chỉ có trên 10ha vải thiều tươi của tỉnh này “có chủ”.
Số diện tích vải còn lại vẫn đang trong tình trạng… trông ngóng tìm đầu ra. Nỗi lo của người dân trồng vải nơi đây khó tránh khi mùa vụ vải thiều đang cận kề.
Đầu ra cho quả vải mùa vụ 2015 vẫn là một dấu hỏi lớn |
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và từ hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, niên vụ vải thiều năm 2015, tổng sản lượng ước đạt trên 200.000 tấn quả tươi. Thời gian thu hoạch vải thiều niên vụ năm nay dự kiến như sau: thu hoạch vải sớm dự kiến từ ngày 15/5 đến 05/6/2015 (tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Yên, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang), thu hoạch vải chính vụ dự kiến từ ngày 1/6 đến 20/7/2015.
Với tổng sản lượng ước đạt khoảng 200.000 tấn quả tươi như trên, dự báo sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi); xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn (trong đó khoảng 85% là quả tươi, 15% là quả sấy khô và chế biến bóc cùi đông lạnh).
Lượng vải thiều sẽ chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường gồm: thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... và các nước châu Âu. Trong đó, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống quan trọng, chiếm khoảng 90% tổng sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra năm nay quả vải đã tìm thêm được 1 số thị trường mới như Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc…
Nhìn lại năm 2014, Bộ Công Thương phối hợp với nhiều đơn vị, địa phương đã có nhiều hoạt động kết nối cung cầu nhằm tăng cường tiêu thụ nội địa. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2014 tại thị trường trong nước đạt 138.000 tấn, trong đó nổi lên là tại các tỉnh phía Nam với 43,5% lượng tiêu thụ nội địa. Nhờ mở kênh tiêu thụ trong nước, nhất là đưa vào khu vực phía Nam, công tác tiêu thụ vải thiều năm 2014 diễn ra thuận lợi và thành công. Vải đã giữ được giá, tạo hiệu ứng tốt cho việc tiêu dùng sản phẩm trong nước nói chung và hoa quả Việt Nam nói riêng.
Rút kinh nghiệm từ niên vụ 2014, năm 2015 Bộ Công thương cho biết, đang cùng với Bộ NN&PTNT chủ động phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2015 trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kết nối thúc đẩy tiêu thụ quả vải và nhằm thực hiện có hiệu quả “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hai Bộ này cũng lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang, cử đoàn công tác làm việc với UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, chính quyền một số địa phương phía Trung Quốc và các doanh nghiệp kinh doanh vải thiều của Việt Nam và Trung Quốc…
Ngoài những giải pháp mang tính "mùa vụ", trước mắt, Bộ Công thương cũng đang xúc tiến hàng loạt giải pháp lâu dài nhằm tiêu thụ nông sản, đặc biệt Bộ chủ trương tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu và đổi mới mô hình, phương thức xúc tiến thương mại để cải thiện dần tình trạng vải thiều chủ yếu xuất sang một thị trường là Trung Quốc (hiện chiếm tới 90% thị trường xuất khẩu vải thiều). Cũng theo cơ quan quản lý “đầu ra” cho các mặt hàng nông sản, thời cơ hiện giờ đã thuận lợi hơn cho nông sản Việt, trong đó có vải thiều khi Việt Nam đang tiếp tục đàm phán một cách tích cực các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan…
Các nội dung quan trọng của đàm phán đều được cân nhắc và tính toán một cách cụ thể để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc tận dụng được ưu thế của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình mở cửa thị trường.
Đơn cử, nếu TPP và FTA với Liên minh thuế quan, FTA với EU đi vào thực hiện sẽ mở ra những cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhiều mặt hàng nông - thủy sản, mặt hàng chế biến của Việt Nam gần như được đưa về mức thuế bằng 0% hoặc ở mức thấp để sau đó tiến tới bằng 0%. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm hàng hóa của các nước có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách dễ dàng….