Số lượng hội sách hàng năm đã tăng hơn 20 lần sau 5 năm
Thông tin vừa được ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành (Bộ TT&TT) công bố tại họp báo Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 diễn ra sáng 12/4 ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam.
Phó cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ với báo giới thông tin về Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019. |
Qua 5 năm triển khai, toàn ngành đã xuất bản được gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của độc giả.
Nhiều mô hình đường sách, phố sách đã được đầu tư xây dựng như: Đường sách TP.HCM, phố sách Hà Nội, đường sách Vũng Tàu, không gian sách đường Hai Bà Trưng (TP Huế)…
Tại các địa phương, nhiều mô hình thiết chế văn hóa đọc tại cơ sở đã được phát triển như: Tủ sách nhà văn hóa thôn, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách công nhân, câu lạc bộ bạn yêu sách, thư viện tư sách…
Đáng chú ý, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) đã tổ chức được 2 thư viện, 50 tủ sách nhà văn hóa thôn, 250 tủ sách gia đình, 35 tủ sách dòng họ, 1 thư viện chùa, 5 không gian đọc…; Huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) xây dựng được 5 điểm thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng; Tủ sách thôn Tần Tiến (xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) sáng tạo nhiều hình thức vận động công chúng như lấy câu lạc bộ gia đình văn hóa làm nòng cốt, đặt chỉ tiêu mỗi gia đình đọc từ 1 – 2 cuốn sách/năm, mỗi xóm tổ chức vài điểm đọc liên gia với khẩu hiệu “đọc cho gia đình tôi nghe”…
Hoạt động tổ chức Ngày sách Việt Nam cũng đã được tích cực triển khai trong hệ thống giáo dục đào tạo, hệ thống thư viện công cộng, trong lực lượng an ninh, quốc phòng, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương...
Trong đó, mô hình “Tủ sách dành cho phạm nhân” là dấu ấn nổi bật được xây dựng tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, tạo nên phong trào đọc, viết và làm theo sách trong các trại giam. Qua đó, nhiều phạm nhân đã giác ngộ, chuyên tâm cải tạo để sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Tính riêng các cơ sở giáo dục trên cả nước, trong 5 năm qua đã quyên góp được hơn 11 triệu bản sách cho thư viện các trường, cho học sinh nghèo; tổ chức được trên 240.000 hội thi, hội thảo, chuyên đề, tập huấn gắn với chủ đề về sách và văn hóa đọc; xây dựng trên 30.000 tủ sách phụ huynh. Đã có trên 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày sách Việt Nam…
“5 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Ngày sách Việt Nam đã được định hình bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, trước đây toàn quốc chỉ có khoảng 1-3 hội sách mỗi năm, nhưng giờ mỗi năm tổ chức hơn 60 hội sách từ Trung ương đến địa phương. Các cấp, ngành đã đưa việc tổ chức ngày sách, hội sách vào kế hoạch công tác hàng năm, thậm chí nhiều địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của sở TT&TT”, Phó cục trưởng Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ.
Cũng theo ông Bảo, Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019 do Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội sẽ có 3 hoạt động chính gồm: Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng”; Hội nghị Toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam; và Lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 và Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 6.
Tính đến ngày 11/4, đã có khoảng 90 đơn vị đăng ký tham gia khoảng 100 gian hàng tại hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 do Bộ TT&TT tổ chức từ ngày 18/4 – 22/4.
“Bộ TT&TT đã có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 từ ngày 1/4 đến hết ngày 1/5. Một số địa phương đã chủ động tổ chức sớm cả chuỗi hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương”, Phó cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành cho biết thêm.