Số hóa trong lĩnh vực sản xuất
PV: Quan điểm của ông về những công nghệ mới đang định hình ngành sản xuất tại khu vực châu Á như thế nào, thưa ông Kh Lee - Giám đốc Vận hành Jabil Việt Nam?
Đây thực sự là thời điểm rất thú vị khi mà các nhà sản xuất khám phá những cách thức mới để công nghệ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi và cải thiện các chức năng trong chuỗi giá trị. Trên thực tế, công ty nghiên cứu toàn cầu IDC đã xác nhận rằng, các khoản đầu tư vào mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) chủ yếu đến từ các ngành sản xuất và giao thông vận tải.
Ngành sản xuất trên phạm vi toàn cầu đang được thay đổi đáng kể nhờ vào 3 công nghệ nổi bật sau:
- Sản xuất đắp dần (Additive Manufacturing hay 3D Printing): công nghệ này đang đạt độ chín muồi một cách nhanh chóng, cho phép thực hiện tùy biến trên quy mô lớn, giảm kích thước lô hàng, và hạ thấp yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu. Công nghệ này cũng sẽ cho phép chúng ta tùy biến các thiết kế sản phẩm dành cho khách hàng, thay đổi địa điểm và tăng tốc độ sản xuất.
- Nhà máy kết nối hay nhà máy số (Connected Factories): việc kết nối các thiết bị trên phạm vi toàn bộ nhà máy sẽ cho phép đạt được những cấp độ mới về hiệu suất và nâng cao năng suất làm việc của nhà máy.
- Tự động hóa và tự tối ưu hóa thiết bị: mặc dù vẫn còn đang ở giai đoạn non trẻ, những công nghệ này sẽ cung cấp thông tin để lập kế hoạch và điều khiển sản xuất theo thời gian thực bằng cách dự báo trước về những sự cố bất ngờ đồng thời tự động điều chỉnh để ngăn ngừa gián đoạn hoạt động. Những công nghệ này sẽ làm thay đổi đáng kể giao tiếp giữa người và máy trong nhà máy hiện nay.
PV: Theo ông thì đâu là những thách thức lớn trong quá trình số hóa các quy trình sản xuất tại khu vực châu Á?
Sự đa dạng của thiết bị - cả về phương diện tuổi đời và tính cập nhật về công nghệ - sẽ là một thách thức lớn. Để số hóa nhà máy, chúng ta cần phải thu thập dữ liệu đến và đi từ các cỗ máy làm đầu vào cho hoạt động phân tích và điều khiển. Những thiết bị cũ, vốn không được trang bị những tính năng như vậy, sẽ cần phải được đầu tư nâng cấp trong thời gian tới.
Điều đó cũng dẫn đến vấn đề về chi phí. Thiết bị mới và công nghệ thiết bị ngoại vi là cần thiết để hỗ trợ mô hình nhà máy kết nối và tư động hóa - như là điện toán ở biên mạng, mạng diện rộng và các mạng cục bộ nhạy cảm với độ trễ - tất cả đều yêu cầu những khoản đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc.
PV: Theo ông thì có thể vượt qua những thách thức này như thế nào?
Kết nối máy móc - đặc biệt là việc thu thập dữ liệu đến và từ những máy móc cũ - là một thách thức lớn và hiện đang được nghiên cứu sáng tạo để vượt qua thách thức cả về kết nối và chi phí. Điều đó cũng đúng với các khía cạnh của chi phí thiết bị ngoại vi cùng với sự chín muồi của các công nghệ như là mạng được định nghĩa bởi phần mềm và điện toán biên mạng.
Điều quan trọng hơn là, khi chúng ta tìm hiểu về hiệu suất thực tế có thể đạt được bằng những công nghệ này, các đề xuất kinh doanh để thu hút đầu tư sẽ trở nên hấp dẫn hơn. Khi những công nghệ này được triển khai, chúng ta cũng sẽ có cơ hội để tìm hiểu xem có thể giải phóng con người ở những chỗ nào để gia tăng giá trị hơn cũng như đâu là những kỹ năng cần thiết cho những vai trò mới này.
PV: Khi quá trình số hóa lĩnh vực sản xuất diễn ra, các chuỗi cung ứng sẽ phát triển như thế nào để theo kịp?
Các công cụ Quy hoạch Nguồn lực Doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning - ERP) của chúng tôi có mức độ tích hợp cao hơn với thông tin thời gian thực:
- Kết nối: kết nối khách hàng, nhà sản xuất và nhà cung cấp, cho phép có được thông tin về toàn bộ hệ sinh thái, giúp đảm bảo tính liên tục và tính kịp thời trong việc tăng tốc độ cung cấp nguyên vật liệu trong khi vẫn cắt giảm được công sức cần phải bỏ ra.
- Lập kế hoạch thông minh: Hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và tiếp nhận những dự báo về khách hàng, xác nhận tự động và đồng bộ hóa các thông tin dự báo, trong khi công nghệ phân tích tiên tiến sẽ cho phép các nhóm làm việc lập kế hoạch và quản lý tốt hơn. Được kết hợp cùng với khả năng lập kế hoạch sản xuất và theo dõi hiệu quả tích hợp, trong tương lai, chúng ta sẽ có thể quản lý các chu kỳ sản phẩm của khách hàng một cách hiệu quả.
- Mua sắm thông minh: chức năng lọc của hoạt động Lập kế hoạch Yêu cầu Nguyên vật liệu (Materials Requirements Planning - MRP), trao đổi kỹ thuật số tăng cường cùng những cam kết điện tử trong các hệ thống sản xuất có thể giúp cải thiện quy trình mua sắm tổng thể như là số lượng đặt hàng, chu kỳ sản phẩm,...
- Nhà kho thông minh: tốc độ và độ sẵn sàng được cải thiện thông qua kết nối toàn trình sẽ cho phép chúng ta quản lý hàng tồn kho và logistics một cách hiệu quả.
PV: Theo ông, đâu là những xu thế sẽ định hình lĩnh vực sản xuất trong vòng từ 5 đến 10 năm tới?
Tôi tin rằng, bước phát triển tiếp theo của công nghệ sản xuất đắp dần sẽ làm thay đổi đáng kể phương thức được chúng ta sử dụng để thiết kế, sản xuất và phát triển sản phẩm. Mặc dù có sự khác nhau trong những ngành khác nhau, tiềm năng để công nghệ sản xuất đắp dần trong việc tăng tốc độ, nâng cao chất lượng và hạ thấp chi phí sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong các quy trình sản xuất của chúng ta.
Những tác động lớn hơn nằm trong các lĩnh vực như tự động hóa nhà máy, tự tối ưu hóa của máy móc và hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong một tầm nhìn về những công nghệ này, có thể dễ dàng hình dung về những nhà máy siêu tinh gọn được quản lý từ xa với khả năng tự khắc phục và tối ưu hóa quy trình sản xuất.