Thị trường đang thiếu vàng SJCNhận định về giá vàng và thị trường vàng trong nước thời gian gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai – chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay giá vàng trong nước đang “nhảy múa” và tuột khỏi tầm kiểm soát của những người nắm giữ vàng. Trong khi giá vàng thương hiệu SJC luôn duy trì mức cao hơn giá thế giới khoảng 2,5 triệu đồng/lượng thậm chí chênh lệch đến 4 triệu đồng/lượng, thì các thương hiệu vàng khác lại ngang bằng, có lúc thấp hơn giá thế giới 1 triệu đồng/lượng.
Theo ông Đại Lai, một trong những nguyên nhân khiến cầu tăng bất thường, gây hiệu ứng đẩy giá vàng lên là do nhu cầu vàng tăng đột ngột từ các ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng trước đây đã bán vàng của người dân gửi khi giá vàng còn thấp để lấy tiền đồng ra làm tín dụng với lãi suất cao hơn nhiều so với tốc độ tăng giá vàng. Nay nhiều ngân hàng phải mua lại để cân đối trạng thái hoặc trả vàng đến hạn cho người dân, khiến cầu vàng tăng đột biến.
Lý giải nguyên nhân khiến giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí - nguyên chuyên gia kinh tế cao cấp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, do cung chưa đáp ứng đủ cầu khi vàng SJC, thương hiệu vàng miếng mà NHNN độc quyền chưa gia công kịp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sở hữu thương hiệu vàng miếng khác lại đang tồn kho hàng nghìn lượng vàng chưa được cấp giấy phép gia công chuyển đổi. “Ngoài thị trường đang thiếu vàng SJC chứ không phải thiếu vàng”, ông Chí nói.
SJC “hốt bạc”, người dân chịu thiệt
Ông Phạm Đỗ Chí cho rằng, tình hình thị trường vàng hiện nay gây khó khăn và tâm lý bất ổn cho cả doanh nghiệp và người dân nắm giữ vàng. Trước mắt, khi giá vàng các thương hiệu phi SJC giảm mạnh, người dân sẽ là người chịu thiệt nhiều nhất.
Mặc dù NHNN đã trấn an khi tuyên bố vàng miếng của tất cả các thương hiệu được NHNN cấp phép trong nhiều năm qua vẫn được lưu thông bình thường, nhưng người dân vẫn bán tháo các thương hiệu vàng khác và ồ ạt mua vàng SJC khi giá thế giới giảm nhanh.
Bên cạnh đó, ông Chí cho rằng khó khăn sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp, nhất là áp lực về vốn và giải quyết việc làm cho những lao động tham gia sản xuất vàng miếng. Ông Chí cũng bày tỏ lo ngại, nếu giá vàng miếng của các thương hiệu phi SJC tiếp tục giảm mạnh thì có thể những kẻ buôn lậu sẽ nhân cơ hội gom vàng miếng của các thương hiệu này để xuất khẩu lậu ra nước ngoài.
Trong khi đó, Công ty TNHH vàng bạc đá quý Sài Gòn lại có được siêu quyền năng từ nghị định 24 về quản lý vàng của Chính phủ. Ông Lai phân tích, SJC vừa được độc quyền can thiệp thị trường, độc quyền mang trước vinh quang của SBV - thương hiệu vàng miếng quốc gia - và độc quyền “dập” lại để "SJC hóa" các loại vàng khác.
“Trong cả 3 quyền năng này, quyền năng nào cũng hốt bạc”, ông Lai cho biết. Theo ông Lai, điều này gây hiểu lầm, “oan” cho NHNN vì Công ty TNHH vàng bạc đá quý Sài Gòn làm mọi việc mà người dân cứ nghĩ là NHNN đang buôn bán vàng với công chúng. Hiện nay SJC “đe dọa” cả thị trường vàng trong nước đây là một điều đáng tiếc bởi lẽ ra nó phải bình đẳng với mọi loại vàng cùng tuổi khác.
Chiều 4/10, giá vàng SJC đã vượt mốc 48 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm 14h10, vàng SJC mua vào tại TP.HCM là 47,8 triệu đồng/lượng và bán ra 48,1 triệu đồng/lượng. Giá bán ra tại Hà Nội đã lên 48,12 triệu đồng/lượng. So với đầu giờ sáng, giá vàng SJC đã tăng khoảng 300.000 đồng/lượng.
XUYẾN CHI