Sir Alex: 27 năm một tình yêu cháy bỏng
Nhưng sau 27 năm, mọi thứ thay đổi quá nhiều. Bóng đá Anh giờ là giải đấu số 1 hành tinh về giá trị thương mại; Man United giành đến 36 danh hiệu, vượt mặt Liverpool trở thành đội VĐQG nhiều nhất; Old Trafford trở thành Nhà hát của những giấc mơ… Nhưng mối tình bền chặt của ông với đội bóng rồi cuối cùng cũng đến bờ vực chia ly.
1. Khi Alex Ferguson tiếp quản Man United, đội bóng khi đó gần như không có những ngôi sao lớn, hệ thống đào tạo trẻ trống trơn, các cầu thủ quen với việc nhậu nhẹt, quậy phá hơn là đá bóng… Nhưng với tính cách của một nhà độc tài cùng tầm nhìn của một nhà quản lý tài ba, Fergie đã từng bước khôi phục lại đế chế đỏ và đưa nó lên đỉnh cao. Kể từ chức VĐ FA Cúp vào năm 1990, ông đã mở ra một chuỗi chiến thắng gần như bất tận cho đội bóng.
Sir Alex Ferguson để lại 1 di sản khổng lồ cũng như một núi thách thức cho người kế thừa. |
Sau 27 năm, phòng truyền thống của MU đã bổ sung thêm 13 chức VĐQG, 5 Cúp FA, 6 League Cúp, 10 Siêu Cúp nước Anh, 2 Champions League, 1 Cúp C2, 1 Siêu Cúp Châu Âu, 1 Cúp Liên Lục địa... Ferguson đã đưa MU thành đội bóng được hâm mộ nhất trên hành tinh, thành ngôi nhà của những kỷ lục và huyền thoại. Nhờ có ông, MU đã làm được cú ăn ba huyền thoại năm 1999 bằng cú lội ngược dòng điên rồ ở Nou Camp. Cũng nhờ có ông, Quỷ đỏ đã thắp lên ngọn lửa đỏ trong một đêm mưa lạnh ở Moscow khi mà ai cũng tin rằng màu xanh của Chelsea đã phủ mờ tất cả.
2. Trong 27 năm Ferguson dẫn dắt đội bóng, ông đã xây dựng nên những lớp cầu thủ tài năng, trở thành những tượng đài bất tử trong lòng các CĐV. Ông đã thuần phục “ngựa chứng” Cantona, đưa anh trở thành cầu thủ nước ngoài có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử bóng đá Anh; đưa Schmeichel từ một tiền đạo xoàng thành người gác đền bất tử; trui rèn Roy Keane ngổ ngáo thành một chiến binh huyền thoại; đưa Rooney từ chỗ là một thần đồng bồng bột trở thành “linh hồn” MU và ĐT Anh ở tuổi đôi mươi; biến Ronaldo từ một cậu bé mảnh khảnh trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới; đưa thế hệ của anh em nhà Neville, Giggs, Beckham, Scholes, Butt… lên đỉnh cao của danh vọng.
Fergie và những đứa trẻ của ông năm 1992 và sau 2 thập kỷ. |
Lớp lớp cầu thủ đã đi qua tay ông như những con sóng ngoài đại dương, nhưng có một điều ai cũng phải thừa nhận, dưới bàn tay của ông những đợt sóng sau sẽ cao hơn đợt sóng trước, lớp cầu thủ sau sẽ thành công hơn thế hệ trước. Vì thế, Nhà hát Old Trafford không bao giờ thiếu những khúc ca khải hoàn.
3. Alex Ferguson không phải là một nhà chiến thuật đại tài nhưng với việc quản lý chặt chẽ đội bóng cũng như linh hoạt trong việc sử dụng con người, ông đã tạo nên kỷ nguyên thống trị cho Man United tại Anh suốt 20 năm qua. Cần phải biết rằng, tính cạnh tranh của bóng đá Anh là rất cao. Ngoài những đội bóng có truyền thống lâu đời như Liverpool, Arsenal, Everton… các thế lực mới cũng cũng liên tiếp nổi lên như Chelsea, Man City, Tottenham... tạo nên thế cạnh tranh rất gay gắt.
Nếu như với người khác, sức ép có thể khiến họ quỵ ngã, nhưng với Ferguson đó là động lực cho thành công. Ông luôn đặt ra những mục tiêu để vượt qua. Khi ông mới về Old Trafford, không ai dám tin Man United sẽ vượt qua kỷ lục 20 lần VĐQG của Liverpool. Rồi khi Jose Mourinho trở thành một kẻ thách thức cùng Chelsea, ông lại cùng Man United lập ra kế sách để đánh bại. Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng Ferguson vẫn làm việc với sự nhiệt huyết như tuổi đôi mơi. Đó mới là lý do để ông hoãn kế hoạch về hưu năm ngoái, giúp Man United đòi lại chức vô địch từ tay gã hàng xóm “ồn ào” Man City.
Ferguson đã đến với vị thế của một kẻ chinh phục và sẽ ra đi với tư thế của một người chiến thắng. Ông sẽ mãi được nhớ đến. Sẽ chỉ có một Alex Ferguson trong lòng những ai đã, đang yêu mến MU. Ông là của riêng MU, mãi mãi thuộc về MU….Và đó cũng là thách thức lớn nhất cho ai được vinh dự thay thế ông ở Old Trafford.
NGUYỄN ĐĂNG