Siết chặt cho vay tiêu dùng: Các công ty tài chính sẽ hết thời tung hoành?
Cùng với việc giảm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành tài chính tiêu dùng trong năm nay, một số công ty tài chính như FE Credit (công ty con của VPBank), HD Saison (công ty con của HDBank), Home Credit, Công ty tài chính Prudential được dự báo sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Không chỉ các công ty trên, nếu dự thảo này được thông qua, ngành cho vay tiêu dùng sẽ chứng kiến sự giảm tốc đáng kể.
Dự thảo chia cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thành hai loại gồm: Cho vay giải ngân gián tiếp và cho vay giải ngân trực tiếp.
Cho vay giải ngân gián tiếp vốn là sản phẩm tài chính truyền thống của các công ty tài chính thông qua việc tài trợ cho việc mua hàng tiêu dùng như xe máy, điện thoại, điện máy gia dụng,… Trong khi đó, cho vay giải ngân trực tiếp là hình thức cho vay tiền mặt dành cho các cá nhân với những khoản vay nhỏ và khó tiếp cận dịch vụ của ngân hàng.
Đối với các khoản cho vay gián tiếp, các công ty tài chính giải ngân trực tiếp cho bên bán hàng thay vì giải ngân trực tiếp cho người vay. Đối với các khoản cho vay trực tiếp, người đi vay không cần mua hàng hóa và được các công ty giải ngân trực tiếp cho người đi vay.
Tuy nhiên, cho vay tiền mặt chỉ có thể thực hiện đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và không có nợ xấu theo thông tin từ Trung tâm thông tin tín dụng (thuộc NHNN).
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt trong dư nợ cho vay của các công ty tài chính tối đa 30%. Dự thảo cũng quy định về thông báo nhắc nợ bị cấm trong khung thời gian từ 21h đến 7h sáng hôm sau.
Ngoài ra, công ty tài chính hoặc đại lý thu nợ thuê không được phép sử dụng các biện pháp không phù hợp như đe dọa khách hàng hay yêu cầu tổ chức hay cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ phải trả nợ thay.
Trong số những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, FE Credit có danh mục cho vay khá đặc thù, đó là tập trung cho vay tiền mặt (cho vay trực tiếp) đối với khách hàng cá nhân.
Với việc các công ty tài chính thường “giấu” số liệu về tỷ trọng cho vay tiền mặt, tuy nhiên một điều hiển nhiên là kỳ hạn vay của các khoản tiền mặt thường là cho vay trung hạn, trong khi các khoản vay tài trợ hàng tiêu dùng thường là cho vay ngắn hạn.
Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), FE Credit có tỷ trong cho vay dẫn đầu trong số 3 công ty tài chính có thị phần cho vay lớn nhất hiện nay.
Trong khi đó, tỷ trọng cho vay tiền mặt tại HD Saison và Home Credit mặc dù thấp hơn nhiều, lần lượt là 40% và 50% nhưng vẫn khá cao so với hạn mức do dự thảo quy định.
Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính đang chờ đợi NHNN có hướng dẫn cụ thể về cách thức và thời điểm mà các công ty có tỷ trọng cho vay tiền mặt cao hơn mức quy định phải giảm tỷ lệ này xuống 30%.
Theo báo cáo của VPBank, FE Credit đóng góp tới 45% lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này trong năm 2018 (năm 2017 là 52%). Do đó, nếu FE Credit phải giảm tỷ trọng cho vay tiền mặt, không chỉ kết quả kinh doanh của công ty này sụt giảm mà lợi nhuận hợp nhất của VPBank cũng bị sụt giảm đáng kể.
Trao đổi với PV Infonet, đại diện của VPBank cho biết, hiện tại quy định này mới đang ở giai đoạn dự thảo, vì vậy VPBank chưa đưa ra lời bình luận nào liên quan đến vấn đề này.
Sau thời gian dài tăng trưởng bùng nổ, năm 2018 là năm đầu tiên NHNN đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các công ty tài chính. 3 công ty tài chính lớn nhất chiếm 88% thị phần gồm FE Credit được áp hạn mức tăng trưởng 20%, HD Saison, và Home Credit là 35%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thực tế FE Credit là 18,9%, tại hai công ty còn lại là 12,7%. Trong năm 2019, hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 3 công ty trên thậm chí còn thấp hơn. Trong khi đó, một số công ty nhỏ như MCredit do thị phần hạn chế nên có thể sẽ được nới lỏng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Với những sự siết chặt trong cho vay tiêu dùng, rất có thể năm 2019 sẽ chứng kiến sự giảm tốc của các công ty tài chính nhằm nâng cao chất lượng tài sản. |