Shop Tin mồng 4 tết Bính Thân: Tết là để trưởng thành
Tết là dấu mốc để bước qua một năm mới, hướng tới một ao ước, mong chờ, khát vọng mới, từng cá nhân, từng gia đình, cả đất nước đều như vậy.
Tôi lại ước, Tết là để trưởng thành, trưởng thành từ mỗi chúng ta, trưởng thành từ đất nước.
Tôi muốn dành những dòng chữ yêu thương để bày tỏ niềm xúc động và trân quý mẹ con cô công nhân lao công trong ngày tết qua những bức ảnh chụp vội nhưng rất cảm xúc của bạn Hải Hoàng Hồ.
Chùm ảnh như một câu chuyện kể mộc mạc nhưng sâu lắng của mùa xuân: Sáng mồng 3 tết, em bé ngồi đợi mẹ mình làm công việc hàng ngày. Nhưng có vẻ như em cảm thấy rác quá nhiều so với bình thường, mẹ phải làm rất lâu mới xong, em chạy qua giúp mẹ.
Niềm vui của bé ngày xuân này là được giúp mẹ dọn rác, một xe rác đầy vun, lại không phải là rác thông thường, đó là những chiếc lá rụng, những chiếc lá của năm cũ, em và mẹ dọn sạch đi cho thành phố bắt đầu những nụ xuân tươi mới.
Công việc có vẻ đã kết thúc, cháu theo mẹ về nhà với tết. Bộ váy áo đỏ tươi trên đường phố vắng như một nụ hoa của mầm sống tử tế được người mẹ chăm chút, vun vén và đang nhú lên ban tặng cho cuộc đời này. Cháu bé đã trưởng thành từ việc giúp mẹ. Còn tôi thì trưởng thành từ góc nhìn ấm áp đẹp đẽ về cuộc sống.
Để thay đổi cuộc sống này, mỗi người cần một sự trưởng thành từ nhận thức, hành động, ứng xử với nhau, với xã hội. Sẽ chả trưởng thành nếu hàng ngàn người mê đắm theo ánh pháo hoa đêm giao thừa, khản giọng hò reo, veo véo lời chúc tụng, làu bàu mắng mỏ cuộc đời nhiều tệ bạc, phồng má trợn mắt gào thét về đạo đức... sau đó là buông xả những núi rác dưới chân để về nhà như đã xảy ra, từng xảy ra, luôn xảy ra. Thì hứa với nhau, năm sau, giao thừa sau, trước khi tan cuộc chơi xuân về nhà, mỗi người tự cúi xuống nhặt lấy rác của mình và rác của người khác, đất nước sẽ đẹp đẽ thêm một chút từ những cam kết bé nhỏ của từng cá nhân như vậy. Đó là sự trưởng thành.
Hoặc lý giải thêm về sự trưởng thành của nhà báo Lê Thanh Phong: "Sự trưởng thành của từng người làm nên sự trưởng thành của cộng đồng, sự trưởng thành của cha mẹ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con cái. Người cha chở con đi chúc Tết, trên đường bị va quẹt xe, thay vì nói lời tử tế, hai bên xông vào đánh nhau sứt đầu mẻ trán, thậm chí đổ máu. Hành động của người lớn là chưa trưởng thành, đứa con có thể sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Từ đó, mỗi lần gặp xích mích, nó sẽ hành xử với thái độ giống cha mình. Đó là thái độ hành xử của một công dân chưa trưởng thành mặc dù đã lớn tuổi...":
Nắm đấm và sự trưởng thành công dân
Chúng ta sẽ trưởng thành vào năm mới đến bằng việc, thay vì kêu ca, thay vì làu bàu, thay vì nhăn nhó, thay vì mắng mỏ như là mắng ai... hãy thực tế hơn, thay đổi vào chính ý nghĩ của mình, cống hiến của mình, học vấn của mình, đạo đức của mình, ứng xử của mình, lòng bao dung của mình, bào mòn sự hằn học, bào mòn sự vô ơn, bào mòn sự tư thù, bào mòn sự khinh khỉnh, bào mòn sự hỗn láo, sống dịu lại, thuần lại, nhẫn lại, mặn mòi hơn, trách nhiệm hơn, yêu thương hơn- đó là sự trưởng thành.
Vì thế, những tâm sự này của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan rất đáng đọc, đọc để trưởng thành: "Lời khuyên chân thành của tôi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam là: đừng ngồi kêu mà hãy tự xoay sở! Chủ động tìm tòi thông tin, chủ động thu xếp công việc, chủ động tìm kiếm đối tác, chủ động tụ lại với nhau, và nhất là giữ cho được chữ tín, đừng để mất bạn hàng.
Còn với những bạn trẻ có đam mê kinh doanh, tôi có ba thông điệp.
Thứ nhất, hãy khởi nghiệp từ những điều nhỏ. Chịu khó quan sát cuộc sống, và tìm thấy sự nghiệp của mình trong những cái nhỏ đó. Khi đã làm thì cần làm đến nơi đến chốn, nếu không thì không khởi nghiệp được.
Thứ hai, khi đã quyết tâm làm thì làm một cách chuyên nghiệp, tận tâm và tỉ mỉ.
Thứ ba, hãy sửa những lỗi trong văn hóa, nhất là văn hóa trong kinh doanh. Nếu các bạn trẻ giải quyết được ba điểm trên, họ sẽ khởi nghiệp được....":
Trò chuyện đầu xuân: “Đừng ngồi kêu mà hãy tự xoay sở”
Quốc gia, đất nước cũng phải biết trưởng thành. Chúng ta nói quá nhiều, nói say mê, nói liến thoắng về đổi mới, về cải cách, về quyết tâm... nhưng đổi mới làm sao khi xoay qua xoay lại ở một cung đường biết đã cũ, ở một thể chế biết đã lạc hậu?
Đó chỉ là cái cách vẽ hoa hoè, màu sắc trên cái khung bảo thủ trì trệ, thay đổi phải bằng hành động chứ không phải bằng ngôn từ, nói như Táo quân đêm giao thừa "đó chỉ biển hiệu mà chưa có biểu hiện".
Đổi mới thế nào mà biết rõ mười mươi ông A, bà B kém, rất kém, ì ạch, cũ kỹ, thiếu trách nhiệm, nhưng vẫn phải nghiến răng đợi hết nhiệm kỳ mới thay? Đổi mới thế nào mà khi biết bà C, ông K làm quan mới mấy năm đã phất lên như diều, nhà cửa, đất đai, tài sản chất ngất, vẫn chỉ là những nhắc nhở trong nội bộ, vẫn là né, tránh, "bao dung" cho tới khi thực sự ngã nhào vào vành móng ngựa mới dám tuyên bố hai chữ "tham nhũng".
Để trưởng thành, hãy làm nóng hơn, hễ có dư luận, hễ có dấu hiệu là đình chỉ chức vụ đã, thay vị trí công tác đã, dứt khoát thế hoạ may mới có chuyển biến, chứ đợi phạm tội rõ ràng thì có mà đến...nhiệm kỳ sau. Hãy thay chức, miễn chức chỉ vì uy tín lãnh đạo giảm, đó là mới là sự trưởng thành của một quốc gia biết quản lý.
Rất nên đọc ý kiến của giáo sư Hồ Ngọc Đại về quy luật biến chứng, rất xác thực: " Bất kỳ quốc gia nào cũng đều phải trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu: giành độc lập và bảo vệ nền độc lập. Giai đoạn xây dựng và giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu- những lớp người đầu tiên đi làm cách mạng chỉ với một mục tiêu duy nhất là giành độc lập, tự do cho dân tộc. Họ sống vì lý tưởng, trong sáng.
Sang đến giai đoạn xây dựng: mọi thứ đều bắt đầu. Có của ăn của để họ bắt đầu nghĩ đến hưởng thụ, mang chút hào quang của quá khứ để cửa quyền. Nền kinh tế giai đoạn này mang nặng tính tiểu nông. Mà căn tính tiểu nông là chụt giật. Chụp giật, cửa quyền là mầm mống của tham nhũng, thái hóa, biến chất.
Giai đoạn tiếp theo sẽ đi vào ổn định và phát triển. Bởi vì mọi thứ tốt, xấu đã được phơi bày ra hết. Người dân đã hết kiên nhẫn, “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền” không thể hoành hoành như trước được nữa.
Tuy nhiên điều quan trọng là Bộ máy mà Đại hội Đảng XII đã lựa chọn ra được là những con người hành động. Anh Đinh La Thăng là con người hành động. Anh Vương Đình Huệ là con người hành động. Anh Nguyễn Văn Bình, anh Phạm Bình Minh... là những con người hành động.
Còn nhiều anh khác nữa đều là những con người hành động. Họ sẽ nghĩ khác và làm mạnh mẽ hơn. Đó là quy luật hoàn toàn biện chứng.":
Bộ máy mà Đại hội Đảng XII đã lựa chọn ra là những con người hành động
Trưởng thành không chỉ từng cá nhân xã hội mà còn là từ quan chức.
Quan chức trong năm mới này hãy mạnh mẽ đứng dậy khỏi bàn làm việc, co chân đạp băng khuôn cửa phòng nhỏ hẹp và quan liêu, gạt qua mớ báo cáo với những con số thống kê bóng bẫy và những con chữ hoan hỉ, bước thẳng vào cuộc sống, làm một người dân thực sự đã rồi làm lãnh đạo, biết đứng trong lòng dân chứ không phải chen chân ẩn náu trong nhóm hội- đó là sự trưởng thành.
Quan chức hãy thôi bẻm mép nguỵ biện với giãi bày trước sai lầm khuyết điểm của ngành mình, đơn vị mình, hãy biết cúi đầu tạ tội, hãy biết ngẩng cao đầu để từ nhiệm, hãy biết cười vui khi bàn giao công việc cho người giỏi hơn, hãy biết khóc, biết nhục khi tự mình đã dối trá, đã lươn lẹo- đó là sự trưởng thành.
Khi chúng ta bắt đầu của sự trưởng thành là đất nước sẽ bắt đầu cất cánh.
Cảm nhận trên Facebook:
*Nhà báo Hồ Thu Thuỷ:
Đào xinh nụ đỏ xanh chồi
Môi xinh thủ thỉ nhấp lời tháng giêng...
*Lê Bá Thự:
Chúng mình rồi lại rong chơi/ Qua cơn bạo bệnh...Huyến ơi, Thự mừng...
*Nhà thơ Đỗ Xuân Thu:
TẾT ƠI Ở LẠI!
Mới hôm nào còn háo hức chờ mong
Mà nay Tết đã dùng dằng đi ở
Này Tết ạ! Ở lại thêm vài bữa
Thịt, bánh vẫn còn sao từ biệt mà chi?
Ở lại nhé! Đừng đi! Đừng đi!
Chén rượu nồng hình như giờ mới ngấm
Chuyện làng quê hãy còn xôm lắm
Cả năm trời sum họp có lâu đâu
Ở lại đi! Xuân giờ mới bắt đầu
Lũ trẻ con vẫn còn đang reo Tết
Đừng nói nhé dẫu một lời từ biệt
Ta vẫn nồng nàn đang với Tết, Tết ơi!
*Nhà báo Nguyễn Duy Xuân:
Hôm qua đi chúc Tết ông bạn. Vừa bước vào nhà đã gặp ngay vị khách họ "nhầy". Sau màn bắt tay chào hỏi, ông ta đứng nghiêm, ưỡn ngực, giơ tay chào và dõng dạc: "Tôi, NNT, tiến sĩ khoa kinh tế!".
Ôi cha mẹ ơi, mình giật mình thảng thốt, tâm trạng vừa mừng vừa xấu hổ. Mừng vì năm mới Bính Thân, từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới hân hạnh gặp được một ông tiến khỉ, à quên, tiến sĩ. Xấu hổ vì mình bằng cấp phọt phẹt quá, chẳng dám ưỡn ngực dõng dạc đáp từ. Hu hu...
*Bác sĩ Nhím:
Vẫn chỉ là em thôi
Giữa chiều đông bừng nắng
Vẫn chỉ là nụ cười
Giữa hai bờ tĩnh lặng ..
*Nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng:
quá khứ xếp vào ta chuyến xe đò cũ rích
chiều ba mươi bay veo véo trên đường
vẫn nắng vẫn mây vẫn hoa hồng và phía ấy
cỏ đã biếc rồi ảo lặng chiều trôi
như là sỏi non như là xanh đá dựng
những thiên thần cô lại tuổi hai mươi
giọt nước mắt chiều cuối năm chợt hiếm
cơn mê dài ngây dại đương trai
những sức hai mươi những cánh rừng kịp trụi
những tên người vô cảm vô danh
gió như khói gió như là dấu hỏi
bát hương nhòe ảo giác tên nhau
ly rượu cô vào đêm, giao thừa chợt nhiên sớm
ta trôi vào mê lạc chợt nhiên em
những niên kỷ trôi phận người lặng lẽ
mê lạc nào em, ta thấy chợt nhiên mình
không gió được giao thừa này mê muội
phía không mình vòm trời khác mải trôi…
*Lí Lắc:
Mắt em cuống quít lời thơ
Lênh đênh dòng tóc hong tơ bên trời
Nắng tràn cỏ thắm Xuân tươi
Giọng quyên quấn quít chim cười sau vai .
*Nhà giáo Nguyễn Thị Thanh Thuỷ:
Có một khoảng trời em cất những buồn vui
Cất những cơn đau và những điều em thích
Cất cả những điều nói ra sẽ trở thành cổ tích
Vì chẳng ai hiểu em bằng chính trái tim mình.
Xin được cất vẹn nguyên cả một hành trình
Cho gió reo nắng bừng lên mỗi sớm
Thả hồn mình vào không gian lặng tĩnh
Chơi trò tập tô khuôn mặt của riêng mình.
Chán trò tập tô em lại ghép hình
Lại xếp chữ như công trình lắp ghép
Tìm lại mình những hình ảnh đẹp
Tìm lại trang đời bằng hai tiếng yêu thương !
*Thuc Dang Duc:
CHÚC ĐẠI THỌ CỤ BỐ 100 old Year !
Hôm nay 2 Tết Bính Thân, các con cháu Cụ Bố quây quần đến Chúc Tết Cụ Bố trong bữa cơm sum họp đầu Năm Mới. ( vẫn thiếu các cháu đang học ở nước ngoài )
Cụ Bố vui lắm, diện luôn bộ áo gấm đỏ từ hôm trước và tỏ lòng hãnh diện vì quà tặng của Chủ tịch nước với người đại thọ.
Chúng tôi là con cháu đã xấp xỉ trên dưới nửa cuộc đời của Cụ Bố, chỉ tự thầm mong gắng luyện rèn sức khỏe và Tu Tâm để được hồng phúc như Cụ Bố..!
*Nhà báo Vũ Viết Tuân:
Tết, ngày càng thu mình lại, với gia đình, và những người ruột thịt. Ít hơn những cuộc nhậu không đâu, những cuộc say tối ngày. Cũng ngại gặp gỡ với những người không hẳn thân, không hẳn sơ, thường có những câu hỏi khiếm nhã như lương tháng bao nhiêu? Như vậy sao đủ sống trên Hà Nội?
Nếu thực sự quan tâm đến nhau, thì sẽ chẳng bao giờ có những câu hỏi tương tự như vậy ở chốn đông người, mà đằng sau đó, chẳng khó để nhận ra là sự so sánh, thậm chí ganh đua với con cái mình, cũng như ngày còn đi học, đằng sau sự cố gắng đạt danh hiệu học sinh giỏi của những đứa trẻ, là sự ganh đua của những ông bố, bà mẹ.
Hay đằng sau mỗi câu hỏi khi nào lấy vợ, có người yêu chưa, là người yêu cháu làm nghề gì? lương tháng bao nhiêu?...
Chỉ có những lúc ở bên bà ngoại, là những phút giây bình yên nhất, bởi ngoại luôn dành cho những đứa cháu tình yêu thương thuần tuý, không toan tính, không ganh tỵ.
*Nhà báo, đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh:
Mình rất thích những sản phẩm thuần Á, thuần Việt thế này, sẽ mua từ từ thôi, đã có cửa hàng sang trọng cá tính ngay tại trung tâm Saigon 2 năm rồi... Thấy vui lắm, vì chính các cửa hàng như vầy sẽ kích thích người dân đồng bằng sông Cửu Long khôi phục lại các làng nghề thủ công, sản xuất mặt hàng này chăm chút và sáng tạo hơn...
Chẳng lẽ cứ thua Lào, Thái, Cam ngay những mặt hàng mà mình vốn rất nổi tiếng và khéo tay hỉ... Nhớ 5 năm trước, một người bạn buôn sỉ dạng hàng này ở Châu Âu than rằng, muốn giới thiệu hàng Việt lắm, nhưng hàng mẫu rất đẹp, tới chừng đặt số lượng nhiều thì... hỡi ơi quá xấu và đầy lỗi...
Mình biết điều này phải chấm dứt, vì đã tới lúc không còn lối thoát nào cho kiểu làm dối nữa rồi... Thật hạnh phúc khi cầm một sản phẩm đẹp trên tay mà thấy hàng chữ "Made in Vietnam", nhất là khi đang ở nước ngoài...
[Hình: Sadec District]
*Nhà giáo Nguyễn Văn Tiến:
Mùng 3 tết thầy.
Ngày mùng 3 Tết, người Việt, nhất là giới trẻ thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo.
Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về.
Một nét đẹp trong tết cổ truyền của dân tộc.
Cảm ơn các em đã đến thăm.
Chúc các em một năm mới sức khoẻ, niềm vui, may mắn và đạt được nhiều thành tựu trong học tập, công việc và cuộc sống.
*Trưởng thôn Khoai Lang:
Nắng nên mới có chuyện. Bên hành lang Nhà hát, trong ngày Hội diễn, em gặp mình, em rơm rớm nước mắt:
- Em lấy chồng rồi anh ạ.
- Tốt quá. Chúc mừng em, nhưng sao khóc?
- Là vì em không được lấy người em yêu anh ạ, mà lấy anh này...
- Vì sao? Ai cấm em không được cưới người em yêu?
- Không ai cấm, vì nắng thôi anh ạ.
Em nói, người em yêu là đạo diễn, từ Hà Nội vào dựng vở. Em đẹp. Em giỏi. Em tài năng. Người ấy yêu em. Em yêu người ấy. Gần 1 tháng dựng vở, em tưởng như không còn tình yêu nào hơn thế.
Gần đến ngày chia tay, em đưa người em yêu lên sân thượng nhà hát.
Người em yêu ôm lấy em khóc, anh chết mất nếu phải chia tay em, chúng ta phải cưới nhau em nhé.
Em dạ.
Chúng ta thành vợ chồng em nhé.
Em dạ.
Chúng ta mãi bên nhau em nhé.
Em dạ.
Anh ấy đòi em cho.
Em dạ.
Nhưng khi cởi bỏ xiêm y, khi anh ấy đặt em xuống sân thượng, em hét lên một tiếng và bỏ chạy, vơ lấy áo quần bỏ chạy.
Từ đó em mất anh ấy, anh ạ.
Vì nắng anh ạ.
Sân thượng nóng rực anh ạ.
Khi anh ấy đặt tấm thân ngọc của em xuống, em tưởng như bị nhúng trong vạc dầu anh ạ.
Em bỏ chạy anh ạ.
Rồi mất anh ấy anh ạ.
Giờ mới cưới anh này anh ạ.